Tự hào hàng Việt Nam (Số 6): Hội LHPN Việt Nam - Cầu nối phát triển thị trường nội địa
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bước sang năm thứ 7. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, Cuộc vận động ngày càng được đông đảo người dân hưởng ứng bằng những hành động, việc làm thiết thực. Kết quả này là sự cố gắng của nhiều cơ quan ban ngành trong đó có các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN VN).
Từ tuyên truyền…
Là đơn vị có các hội viên đều là chị em phụ nữ - những người có vai trò lớn trong việc chọn lựa hàng tiêu dùng cho mỗi gia đình, Hội LHPN VN là một trong những tổ chức hội có ý nghĩa lớn, quyết định thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Xác định việc tổ chức thực hiện thành công Cuộc vận động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ những năm đầu tiên, Hội LHPN VN đã chỉ đạo các chi Hội tỉnh/thành phố đưa việc triển khai Cuộc vận động vào nội dung thi đua hàng năm, lồng ghép đưa nội dung Cuộc vận động vào các phong trào thi đua yêu nước của Hội như: Cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện VS ATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…
Bà Hồ Thị Quý, Trưởng ban Kinh tế TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, CLB, các nhóm sở thích. Hội cũng lồng ghép các nội dung để chị em hiểu tại sao nên dùng hàng Việt Nam. Cuộc vận động có những điểm có lợi gì cho kinh tế của từng gia đình, của đất nước”.
Bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: hội nghị, tập huấn, hội thi, tọa đàm, sinh hoạt chi, tổ, CLB… các cấp Hội đã truyền tải nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc vận động; vai trò, vị trí của tổ chức Hội, của phụ nữ trong thực hiện Cuộc vận động.
… đến cầu nối thúc đẩy thị trường nội địa
Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng tới thành công của Cuộc vận động. Tuy vậy, để Cuộc vận động có được sự thành công bền vững, ngoài công tác tuyên truyền còn phải xây dựng được kênh phân phối giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng Việt. Trưởng ban Kinh tế TW Hội phụ nữ Việt Nam Hồ Thị Quý nhận xét:
“Ngoài việc tuyên truyền vận động, còn phải tạo ra cơ chế, cách thức để phụ nữ, người nội trợ dễ dàng tiếp cận được với hàng Việt. Nếu người tiêu dùng biết và hiểu nhưng hàng Việt Nam không đến dễ dàng thì hiệu quả Cuộc vận động không cao”.
Nhận thức được điều này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có các hoạt động hoàn thành tốt vai trò cầu nối liên kết giữa các nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, nhà phân phối, để phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam và xây dựng thị trường nội địa.
Tính đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với các Hiệp hội, Hội doanh nhân nữ, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức hơn 640 đợt bán hàng lưu động đưa “Hàng Việt về nông thôn”. Thông qua hệ thống mạng lưới doanh nhân nữ của Hội (538 Hội, Hiệp hội, CLB doanh nhân nữ trên toàn quốc, trong đó có 17 Hội doanh nhân nữ), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thành công trong việc thúc đẩy, hỗ trợ hình thành một thị trường nội bộ, trong đó, các hội viên sẽ cam kết sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau. Trong thị trường này, mỗi hội viên vừa là khách hàng, vừa là đối tác, vừa là nhà đầu tư chiến lược của nhau nhằm mang lại lợi ích tối đa cho các hội viên và hướng tới việc tiêu dùng hàng Việt Nam.
Việc xây dựng thị trường nội bộ là cách làm tốt nhất để xây dựng chuỗi giá trị, giúp các doanh nghiệp xây dựng thị trường bền vững và tạo ra giá trị gia tăng cao, đồng thời tăng sức cạnh tranh của hàng Việt.
Đánh giá về thành công của công tác hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết, bà Hồ Thị Quý cho biết: “Hiện nay, Hội đã hỗ trợ chị em phát triển sản xuất kinh doanh qua các mô hình kinh tế tập thể. Các mô hình kinh tế tập thể cũng hỗ trợ chị em trong quá trình bao tiêu sản phẩm. Đã có hơn 1.000 mô hình tổ liên kết hợp tác, hợp tác xã đã ra đời. Hội LHPN tại một số tỉnh thành đã thành lập các điểm bán hàng do chị em phụ nữ sản xuất. Chỉ khi nào chúng ta giúp chị em cả đầu vào và tiêu thụ sản phẩm thì sản xuất mới bền vững”.
Các mô hình như liên kết theo chuỗi sản xuất – phân phối – tiêu thụ, mô hình chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, tiêu thụ nông sản, mô hình tiêu thụ hàng việt bằng kênh phân phối lưu động qua các hoạt động xúc tiến thương mại của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã góp phần quan trọng trong chắp nối cung cầu tiêu dùng hàng Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển thị trường trong nước.
Có thể nói, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các cấp hội phụ nữ, các nữ doanh nhân và đông đảo các tầng lớp phụ nữ cả nước hưởng ứng. Trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh cũng được nâng cao, góp phần thực hiện kích cầu, phát triển thị trường nội địa, đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn trước mắt, phát huy vai trò và vị thế của phụ nữ trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.