Tự hào hàng Việt Nam (Số 7): Những tín hiệu tích cực đối với dược phẩm nội địa

Nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2012, ngành y tế đã xây dựng và triển khai đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Đến nay, đề án đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều mặt hàng thuốc sản xuất trong nước đã chiếm lĩnh được vị trí tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương.

Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Y tế có quyết định phê duyệt Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Đề án ra đời nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc nội, qua đó, góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng. Ngoài ra, đây được coi là lực đẩy “đánh thức” ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thuốc phòng và chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo Cục Quản lý Dược, đến nay, thuốc nội đã chiếm 50% thị trường trong nước. Con số này có thể nâng lên 80% vào năm 2020, đúng như mục tiêu chiến lược phát triển ngành Dược mà Chính phủ đã đề ra.

Theo TS.BS Nguyễn Đức Chính và Dược sĩ Nguyễn Thanh Hiền, việc sử dụng thuốc nội đem lại rất nhiều lợi ích cho cả bệnh nhân và bệnh viện.

Một trong những điểm sáng của đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” là bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trao đổi với phóng viên, Dược sĩ Nguyễn Thanh Hiền – Trưởng khoa Dược của bệnh viện cho biết: “Trong năm 2015, số lượng các mặt hàng trong nước chiếm 26% tổng số mặt hàng thuốc tại bệnh viện chúng tôi. Đặc biệt, có hai mặt hàng thuốc kháng sinh quan trọng, được sử dụng nhiều thì đều được sản xuất tại Việt Nam”.

Theo Dược sĩ Nguyễn Thanh Hiền, lãnh đạo bệnh viện Việt Đức đã tổ chức nhiều phong trào khuyến khích các bác sĩ thuộc khoa lâm sàng ưu tiên lựa chọn thuốc sản xuất trong nước để điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, nếu loại thuốc nào Việt Nam tự sản xuất được thì bệnh viện sẽ không nhập thuốc ngoại nhập tương đương. Như vậy, ngay tại quầy thuốc của bệnh viện, các bệnh nhân đã có thể tiếp cận dễ dàng với thuốc Việt. Chất lượng của những mặt hàng này đã được Hội đồng thuốc và điều trị rà soát, đồng thời trong quá trình đấu thầu cũng được kiểm tra đảm bảo về mặt kỹ thuật.

TS. BS Nguyễn Đức Chính – Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng, việc tăng tỉ lệ sử dụng thuốc Việt Nam đem lại nhiều lợi ích. Đầu tiên là khả năng cung ứng hàng rất chủ động, thường xuyên từ các doanh nghiệp trong nước, không lo tình trạng thiếu hụt thuốc điều trị. Đây là ưu điểm so với hàng nhập khẩu từ nước ngoài khi nguồn cung thường có khả năng bị gián đoạn cao. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc Việt Nam cũng tiết kiệm chi phí rất nhiều, đây cũng là một trong những tiêu chí để động viên, khen thưởng kịp thời cho các bác sĩ.

Dược phẩm nội địa phấn đấu đến năm 2020 sẽ đáp ứng được 70% nhu cầu sử dụng trong nước.

Theo TS.BS Nguyễn Đức Chính, với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2016 nâng tỉ lệ các mặt hàng trong nước lên 30% trong tổng số mặt hàng thuốc: “Cái tiêu chí đánh giá bệnh viện rất nhiều. Nếu tỉ lệ sử dụng thuốc nội của bệnh viện Trung ương được đưa vào mục điểm thưởng trong phần đánh giá chất lượng bệnh viện (trước đây là kiểm tra chéo bệnh viện). Tôi nghĩ đây cũng là hình thức tốt để khuyến khích các bệnh viện sử dụng thuốc Việt Nam”.

Thực tế khảo sát tại cửa hàng thuốc bệnh viện, nhiều người dân, nhất là đối tượng người nghèo, người chưa có bảo hiểm y tế, cho biết, họ sẵn sàng sử dụng thuốc Việt Nam nếu chất lượng tương đương hàng ngoại nhập và rẻ hơn nhiều lần: “Thuốc bây giờ đắt đỏ, kinh tế cũng tùy từng người. Nên nếu phù hợp thì chúng ta nên sử dụng thuốc Việt Nam/ Tôi xuống đây từ xa, các bác sĩ tư vấn thuốc Việt Nam rất tốt, tôi nghĩ nếu phù hợp với bệnh tật của mình thì mình dùng thôi”.

Theo IMS Health, Việt Nam có thị trường dược trị giá khoảng 3,5 tỷ USD và thuộc 17 nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển. Với gần 200 doanh nghiệp sản xuất thuốc, hệ thống phân phối rộng khắp cả nước với trên 40.000 cơ sở bán lẻ, cơ hội dành cho các doanh nghiệp dược trên “sân nhà” là không hề nhỏ.

Trong bối cảnh ngành y tế đang nỗ lực để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc tiêu thụ được nhiều sản phẩm, có cơ hội xuất khẩu, tăng nguồn thu, phát triển ổn định và khuyến khích đầu tư ngày càng hiện đại, lớn mạnh, các doanh nghiệp cần nắm bắt thời cơ này để đạt đúng mục tiêu mà đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”: Đến năm 2020, thuốc nội sẽ đáp ứng 70% nhu cầu sử dụng trong nước.

Bình luận của bạn