Tự tin cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập

Không thua kém về mẫu mã, chất lượng, cạnh tranh về giá cả…, là những “điểm cộng” để hàng Việt Nam tự tin cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngay tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, thách thức đối với hàng Việt vẫn không hề nhỏ. Nếu doanh nghiệp (DN) trong nước vượt qua được sẽ vững vàng hơn và không ngừng lớn mạnh…

Chưa lúc nào mà hàng hóa nhập ngoại lại “phủ sóng” khắp nơi như lúc này, từ trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống đến cửa hàng tạp hóa nhỏ. Tại khu chợ dân sinh trên đường Lê Văn Quới (quận Bình Tân), khách hàng dễ dàng mua từ gói mì, chai nước tương của Hàn Quốc, bàn ghế nhựa của Thái-lan, táo Mỹ… đổ đống trên các xe ba-gác. Giá cả hàng ngoại có khi còn rẻ hơn hàng nội từ 10% đến 30%.

Ở các chợ truyền thống lớn như: Tân Bình, An Đông, Bà Chiểu, Bình Tây... khách hàng dễ dàng mua được hàng Trung Quốc, Thái-lan, Cam-pu-chia... Nhìn chung, các loại hàng của những nước này đều có mẫu mã phong phú, đa dạng.

Tại chợ Bình Tây (quận 6), hàng hóa bán buôn tràn cả lối đi, trong đó có khá nhiều hàng Trung Quốc. Với người mua bán, hàng Trung Quốc có giá mềm, chiết khấu cao, được “gối đầu” nên mua về bán lại dễ hơn hàng Việt. Trước thực trạng này, nhiều DN vừa và nhỏ ở TP Hồ Chí Minh xác định, nếu không đổi mới, cải tiến sản xuất thì sẽ thua ngay trên sân nhà.

Công ty TNHH Hưng Long chuyên sản xuất quần áo trẻ em đã đầu tư hàng tỷ đồng để đổi mới trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến sản phẩm an toàn. DN này cũng liên tục đổi mới mẫu mã sản phẩm, cập nhật những hoa văn, mầu sắc, hình ảnh mà trẻ em yêu thích. Giám đốc marketing của Công ty TNHH Hưng Long Trần Thanh Trọng cho biết: “Từ lâu, chúng tôi đã có chiến lược lâu dài là bảo đảm chất lượng sản phẩm và nhắm đến người tiêu dùng thu nhập thấp. Sản phẩm chất lượng ổn định, chất liệu an toàn cho trẻ em sử dụng. Chúng tôi cũng đầu tư lớn vào mẫu mã, tạo tín nhiệm của người tiêu dùng, đầu tư nhiều bộ sưu tập theo từng mùa để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Theo tôi, người tiêu dùng rất thích hàng trong nước, chỉ là sản phẩm chưa có nhiều lựa chọn cho khách hàng. Giải được bài toán này, thì hàng Việt sẽ có lợi thế trước hàng ngoại nhập”.

Bánh kẹo, trà, cà-phê… sản xuất trong nước gần như hoàn toàn “lấn át” hàng ngoại. Giữa hàng chục loại bánh, kẹo của nhiều nước có mặt tại siêu thị Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng, bà Thu Hương, 57 tuổi, cán bộ về hưu, ngụ tại quận Bình Thạnh, sau nhiều cân nhắc đã quyết định chọn những sản phẩm trong nước làm quà ra mắt sui gia sắp tới. Bà chia sẻ: “Hàng Việt Nam vẫn đẹp mắt và trang trọng hơn từ khâu thiết kế bao bì đến chất lượng hàng hóa, nhất là bảo đảm được an toàn thực phẩm, nên tôi rất yên tâm”.

Tại nhiều nhà sách lớn, như: Fahasa, Nguyễn Văn Cừ, Phương Nam… ở khu vực bày bán sách vở, bao thư, bút viết hầu hết đều là hàng sản xuất trong nước. Hàng hóa đa dạng để khách hàng lựa chọn. Đơn cử như bìa sách vở với nhiều hình dân gian như hứng dừa, múa lân; thiệp handmade có đính hoa khô, giấy dún. Tại đây, khách hàng còn tìm được nhiều sản phẩm quà tặng du lịch như: Nón lá, tượng thiếu nữ với áo dài, khăn đóng, các loại nhạc cụ dân tộc… Chị Mỹ Thụy, chủ một nhà sách tư nhân ở quận 1 cho hay: “90% số sản phẩm bày bán tại nhà sách là hàng trong nước. Hàng Việt Nam tuy có giá cao hơn hàng ngoại nhưng chất lượng thì bảo đảm, cho nên khách hàng trong và ngoài nước rất yên tâm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng yêu cầu nhà sản xuất phải không ngừng đổi mới sản phẩm để cạnh tranh lâu dài”.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, luật sư Phạm Ngọc Hưng thừa nhận, thời gian gần đây, hàng hóa ngoại thâm nhập vào thị trường bán lẻ quá nhanh. Bên cạnh hàng ngoại giá rẻ thì phân khúc hàng cao cấp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ..., đặc biệt là hàng do Thái-lan sản xuất, đang từng bước chiếm lĩnh các quầy kệ trong các siêu thị, các chợ lớn, nhỏ.

Tuy vậy, hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là thủy sản vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn hàng ngoại nhập. Còn bánh kẹo thì đã có bánh kẹo của Kinh Đô, ABC, Bibica... Những thương hiệu này đã được người tiêu dùng biết tới, đủ khả năng cạnh tranh với hàng nhập ngoại. “Cánh cửa thị trường nội khối ASEAN đã mở; nhiều hiệp định thương mại tự do đã và đang dần có hiệu lực, hầu hết hàng hóa có thuế suất về 0% buộc các DN phải cạnh tranh khốc liệt. Mới giai đoạn đầu của hội nhập mà hàng hóa của các nước khối ASEAN đã tăng nhanh chóng và có mặt rất nhiều ở thị trường nội địa, tạo nên sức ép cạnh tranh, thách thức rất lớn cho các DN sản xuất trong nước. Không còn cách nào khác, chính các DN phải tự xác định phải thay đổi. Thay đổi từ công nghệ đến phương pháp quản trị DN,... để làm sao hàng hóa sản xuất ra bảo đảm được an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá bán phù hợp với người tiêu dùng” -luật sư Phạm Ngọc Hưng nêu quan điểm.

Trong những lần gặp gỡ các DN tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh thường nhắn nhủ: Đã đến lúc DN Việt đừng cạnh tranh với DN nước ngoài bằng hàng hóa giá rẻ, tức là tìm mọi cách hạ giá thành. Cạnh tranh kiểu này sẽ không lâu bền, chẳng khác nào đang tự cắt vào thịt mình. DN nên cạnh tranh bằng chất lượng hàng hóa, cạnh tranh bằng chữ tín.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, nước ta có quan hệ thương mại tự do với rất nhiều nước trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc nước nào đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ có cơ hội được tiếp cận hàng hóa của các nước khác với thuế suất 0%. Do đó, các DN trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà. Tương lai sẽ rất khó khăn, nhưng nếu DN trong nước vượt qua được sẽ vững vàng hơn và không ngừng lớn mạnh…

Bình luận của bạn