Vải thiều Nam tiến
Ngày 20/6 tại TP. Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang phối hợp cùng một số tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các tỉnh phía Nam.
Xúc tiến tiêu thụ ở thị trường phía Nam
Ông Nguyễn Anh Cương - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương - cho biết, Hải Dương hiện có 11.000 ha vải thiều và đã xây dựng 36 mô hình với 225 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng toàn tỉnh đạt khoảng 36.000 tấn, giảm 30% so với năm 2015.
Vải thiều đang vào vụ và tỉnh đã tổ chức 100 điểm thu mua với 100 chuyến/ngày. Địa phương này hiện đang tập trung tiêu thụ vải tại thị trường trong nước, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam. Ngoài thị trường nội địa, theo ông Cương, vải thiều Hải Dương hiện nay đã đến thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore và đang mở rộng sang thị trường Mỹ, Úc, Nhật và EU. Trong niên vụ 2016, vải sớm Hải Dương đã được xuất đi Dubai và Cộng hòa Pháp.
Tỉnh Bắc Giang năm nay có 30.000 ha trồng vải thiều (giảm 1.000 ha), sản lượng ước đạt 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với niên vụ trước. Năm 2016, huyện Lục Ngạn đã được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158 ha, sản lượng đạt 1.000 tấn theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đủ điều kiện xuất khẩu (XK) sang Mỹ, Úc, EU. Mới đây, Công ty TNHH Ánh Dương Sao đã XK sang Mỹ hai lô vải thiều hơn 1 tấn sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Lục Ngạn. Giám đốc Phạm Ngọc Tú dự báo, sau lô vải đầu tiên, công ty đang tổ chức thu mua thêm khoảng 20 tấn vải với giá cao hơn giá thị trường trên 10% để xuất đi Mỹ.
Cần nhiều giải pháp gỡ khó
Ông Dương Văn Thái - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - đánh giá, vụ thu hoạch vải thiều năm nay có 3.000 điểm thu mua với hơn 1.500 thương nhân trong và ngoài nước tham gia tiêu thụ vải thiều. Nhằm thực hiện Cuộc vận động “Người người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bắc Giang phấn đấu tiêu thụ 60% sản lượng (khoảng 78.000 tấn) tại thị trường trong nước, chủ yếu là TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Theo chính quyền hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang, niên vụ năm nay, sản lượng vải giảm nhưng giá cao hơn năm 2015 và ở thời điểm đầu vụ, công tác tiêu thụ khá thuận lợi. Tuy nhiên theo một số doanh nghiệp chuyên thu mua loại đặc sản này, để vải thiều “Nam tiến” vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Đường Văn Quân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Việt Lại Phát (Lục Ngạn, Bắc Giang) - chia sẻ, vải thiều vào Nam gánh chi phí cao và thiếu ổn định, đến nay vẫn chưa có hợp đồng nào được ký. Theo ông Quân, năm 2015, cho một chuyến xe chở 16 tấn vải từ Lục Ngạn đến chợ đầu mối Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) tốn hết 36 triệu đồng và năm nay chi phí đó dự tính cũng không dưới 35 triệu đồng/chuyến.
Ông Hồ Phúc Quốc Nguyên - Giám đốc truyền thông siêu thị Big C - cho biết, hệ thống Big C đã chủ động kết nối và tăng số lượng nhà cung cấp tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang nhằm phân phối và hỗ trợ nông dân trồng vải. Dự kiến, số lượng vải tiêu thụ tại Big C sẽ tăng hơn 30% so với năm trước, đạt hơn 200 tấn trên toàn hệ thống. Big C hiện đang lên kế hoạch quản lý hiệu quả để giảm giá thành sản phẩm, áp dụng các chương trình bán hàng không lãi để đẩy mạnh lượng tiêu thụ, hỗ trợ nông dân trồng vải, nhất là khi vào chính vụ.