Vải thiều “xuất ngoại” hanh thông
Ngoài Mỹ, Úc, Pháp, nhiều thị trường khác trong khu vực ASEAN cũng cam kết nhập khẩu vải thiều Việt Nam. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy trái vải Việt Nam dần khẳng định được vị thế tại thị trường nước ngoài.
Những con số ấn tượng
Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - cho biết, vải thiều Bắc Giang đã xuất khẩu (XK) tới hơn 30 nước trên thế giới. Tính đến ngày 3/7, Bắc Giang đã XK gần 18.370 tấn vải sang thị trường Trung Quốc, 1.300 tấn sang thị trường Úc, 1.000 tấn sang thị trường Thái Lan, 500 tấn sang thị trường Hà Lan và một số nước như: Mỹ, EU, Nhật Bản...
Đáng chú ý, năm nay, lần đầu tiên lô vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) nói riêng và trái vải Việt Nam nói chung được Tập đoàn Central Group Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Thái Lan. Đây là tin vui cho người trồng vải, bởi Thái Lan là một trong 5 nước XK vải lớn nhất thế giới và cũng rất thành công trong việc xây dựng thương hiệu cũng như tiêu thụ hàng nông sản địa phương. Đây còn là cơ sở để các loại trái cây khác của Việt Nam XK sang Thái Lan, tận dụng cơ hội các dòng thuế xuất nhập khẩu đã được cắt giảm theo cam kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Bên cạnh đó, theo bà Lương Thị Kiểm - Trưởng phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương - tổng sản lượng vải thiều của tỉnh năm nay khoảng 30.000 tấn, trong đó, hơn 50% được XK sang thị trường Trung Quốc, khoảng 25 tấn XK sang thị trường Úc.
Khơi thông thị trường
Hướng trái vải XK vào thị trường khó tính là mục tiêu mà các ngành chức năng, địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đang nỗ lực triển khai. Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - đánh giá cao quyết tâm này của Bắc Giang và Hải Dương, đồng thời đề nghị Sở Công Thương Bắc Giang cần tích cực phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu và các vụ ngoài nước (Bộ Công Thương) trong hoạt động xúc tiến thương mại, thăm dò, đánh giá nhu cầu, yêu cầu của một số nước về trái vải; từng bước XK vải thiều vào thị trường cao cấp. Bên cạnh đó, nghiên cứu đưa trái vải và sản phẩm liên quan vào Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia…
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Tổng giám đốc AIC - đơn vị đầu mối triển khai đưa các ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ cho nhân dân vùng trồng vải- khẳng định, vấn đề quan trọng để có giải pháp XK trái vải Việt Nam ra thế giới chính là tiêu chuẩn, quy trình và công nghệ bảo quản quả vải tươi song song với việc marketing.
Kết quả khả quan từ XK trái vải đã mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm nông sản khác nếu đáp ứng yêu cầu khắt khe trong quá trình sản xuất và xử lý kỹ thuật.