Vận động người Việt dùng hàng Việt: Nâng cao vai trò của doanh nghiệp

Sáng 15/3, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện CVĐ năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Các đại biểu tại hội nghị cho rằng, trong giai đoạn mới của CVĐ, sự vào cuộc mạnh hơn của DN là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

Kết quả nổi bật

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ - nhấn mạnh, năm 2017 được coi là năm thành công của nền kinh tế Việt Nam với nhiều kỷ lục ở cả tăng trưởng GDP, xuất khẩu, thu ngân sách, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khách du lịch đến Việt Nam… Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên 68/100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ. “Một trong những nguyên nhân lớn nhất góp phần cho thành công của CVĐ là nhờ việc tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận 264/KL-TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về việc thực hiện CVĐ được các tổ chức, cấp ủy Đảng, các cấp lãnh đạo triển khai ngày càng đi vào chiều sâu” - ông Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Cụ thể, trong năm 2017, Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ đã tập trung triển khai các nhiệm vụ của CVĐ như ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo, triển khai CVĐ; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, quảng bá hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt; thực hiện việc theo dõi triển khai CVĐ tại các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố.

Kết quả, năm 2017, nhiều Bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã triển khai các chương trình, hoạt động hưởng ứng CVĐ. Trong đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam xây dựng kế hoạch, thành lập Ban tổ chức cuộc thi sáng tác biểu tượng (logo) CVĐ và chọn được logo cho CVĐ; tổ chức chương trình Nhận diện hàng Việt Nam; Thành lập tổ thực hiện dự án “Khảo sát, đánh giá, kiến nghị chính sách, truyền thông đối với nhóm hàng dệt may hướng tới người tiêu dùng trong nước”. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã triển khai chương trình xét tặng giải thưởng “Sản phẩm dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng CVĐ” lần thứ II… Được đánh giá là một trong những hoạt động quan trọng, được quan tâm. Lễ trao giải dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/3/2018, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương CVĐ cho hay, trong năm 2017, Bộ Công Thương đã tập trung vào nhiều hoạt động như thông tin tuyên truyền; xây dựng cơ chế hỗ trợ DN và người tiêu dùng trong nước không trái với các quy định của WTO; đẩy mạnh quản lý thị trường… Đặc biệt, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương xây dựng được gần 100 Điểm bán hàng Việt Nam tại 52 tỉnh, thành phố; tổ chức 50 hội nghị kết nối cung cầu và 40 lớp bán hàng cho các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể… Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các kênh phân phối vẫn rất cao, riêng siêu thị lên đến trên 90%.

Hưởng ứng CVĐ, Bộ Khoa học Công nghệ đã phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tuyên truyền về các cơ chế chính sách của Bộ nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, sản xuất thử nghiệm, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp, tạo điều kiện nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Đẩy mạnh tuyên truyền về ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật; xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu hàng hóa trong nước… giúp người tiêu dùng nhận biết.

Về phía các doanh nghiệp (DN), Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đã tiếp tục mở rộng việc thực hiện đề án “Quy trình xác thực chống hàng giả”, hiện nay đã tổ chức dán tem chống hàng giả tại 2 công ty (Công ty CP Khóa Việt Tiệp) và Công ty CP Dịch vụ thương mại và du lịch quốc tế Ngôi sao, cho kết quả tốt và đang tuyên truyền để mở rộng việc áp dụng tại các địa phương khác như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Được đánh giá là một trong những đơn vị tích cực trong triển khai CVĐ, năm 2017, Đảng ủy Khối DN Trung ương đã tiếp tục triển khai họat động vận động các DN, ngân hàng trong khối ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau. Kết quả, đã có 13 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối tiếp tục tổ chức ký kết 1.322 lượt hợp đồng, cam kết hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau trên nhiều lĩnh vực như xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, sản xuất nông lâm nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ… Các đảng ủy cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo đề ra nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ trên thị trường; chủ động đi đầu trong đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; phát triển kênh phân phối, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi.

Riêng về các địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã được đẩy mạnh đến các đơn vị, DN và toàn thể nhân dân; tổ chức các hoạt động hội chợ, triển lãm, đưa hàng Việt về nông thôn; tư vấn về hàng thật, hàng giả…

Tiếp tục triển khai sâu rộng CVĐ

Song song với các kết quả đạt được, CVĐ vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ thẳng thắn nêu rõ, CVĐ vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại như công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên, liên tục. Mặt trận một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo thực hiện CVĐ. Chưa kể, một số các hoạt động hưởng ứng CVĐ chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của một số ngành.

Đặc biệt, tình trạng hàng nhái hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng còn khó kiểm soát trên thị trường; Một số mặt hàng chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng, giá cả. Nhiều DN còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao…

Bà Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, thời gian tới, để triển khai sâu rộng CVĐ, Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về CVĐ; tiếp tục triển khai thực hiện và giám sát thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ”, Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam… Các Bộ, ngành được yêu cầu tăng cường rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với WTO. Tăng cường các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; xử lý nghiêm hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, hàng nhập lậu.

Đặc biệt, CVĐ đang chuyển dần sang một giai đoạn mới, không chỉ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà tiến tới hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam nên sẽ tập trung vào hoạt động vận động DN đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xây dựng hệ thống phân phối… Đặc biệt, chú trọng đến khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa và khu công nghiệp… “Song song với việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, hoạt động này cần sự vào cuộc mạnh hơn, chủ động hơn từ DN” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Bình luận của bạn