Việt Nam sẽ trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới?

Bộ NN & PTNT xác định ngành tôm là ngành đặc biệt có tiềm năng, lợi thế, cần phát triển thành ngành hàng sản xuất công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững và thân thiện với môi trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm. Song, chúng ta phải có quyết tâm chính trị đủ lớn cùng giải pháp hữu hiệu, đồng bộ để đưa ngành tôm phát triển lớn mạnh, giúp người nuôi tôm có thu nhập cao hơn, bền vững hơn. 

* Lợi thế phát triển ngành tôm 

Việt Nam có 28 tỉnh giáp biển (trên 3.260 km đường bờ biển) và hàng nghìn con sông lớn nhỏ đổ ra biển, rất thuận lợi cho việc nuôi tôm. Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tôm nước lợ hiện là đối tượng nuôi chủ lực, có vai trò quan trọng đối với kinh tế, xã hội, đặc biệt là tại các địa phương ven biển Việt Nam. Tôm nước lợ đang được nuôi tại 30 tỉnh, thành phố và trở thành sản phẩm hàng hóa lớn ở nước ta gồm tôm sú (loài bản địa) và tôm thẻ chân trắng. 

Tính đến nay, Việt Nam có 67 doanh nghiệp được cấp chứng nhận Thực hành nuôi trồng thủy sản (BAP) trong đó có 12 doanh nghiệp có BAP 4 sao (chứng nhận Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất). Cùng với đó, với 350 nhà máy chế biến tôm (tổng công suất khoảng 1,4 triệu tấn), khả năng sản suất, chế biến tôm của Việt Nam đạt trình độ khu vực và thế giới. 

Hiện kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ luôn dẫn đầu toàn ngành thủy sản với khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch. Việt Nam hiện là 1 trong 5 quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới; là nhà cung cấp tôm lớn nhất vào thị trường Nhật Bản, lớn thứ 3 ở thị trường Hoa Kỳ và thứ 4 trong khối EU. Đặc biệt, dù năm 2016 là năm hết sức khó khăn đối với ngành nông nghiệp, trong đó, có nuôi tôm do tình hình hạn, mặn diễn ra khốc liệt khiến tôm chậm lớn, phát sinh dịch bệnh và khiến tôm chết hàng loạt... nhưng với với các giải pháp phù hợp, ngành tôm cả nước đã đạt được những kết quả rất ngoạn mục. Tổng diện tích thả nuôi tôm của cả nước đạt gần 700.000 ha; tổng sản lượng thu hoạch được hơn 652.000 tấn (bằng 108% so năm 2015); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,15 tỷ USD (tăng 6,7% so cùng kỳ). 

Bên cạnh lợi thế về điều kiện tự nhiên, việc ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng giúp thủy sản Việt Nam, đặc biệt là con tôm có lợi thế về thuế quan… Cùng với đó, việc phát huy lợi thế và gia tăng giá trị sản phẩm qua chế biến, ngành tôm Việt Nam hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. 

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, ngành tôm Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít khó khăn như: chưa làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, cung ứng giống. Trong đó, với tôm thẻ chân trắng bố mẹ, mỗi năm vẫn phải nhập khẩu tới 90%, còn tôm sú bố mẹ vẫn chủ yếu thu gom từ tự nhiên. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn cao, do thức ăn nuôi tôm vẫn chiếm tỷ lệ cao trong giá thành, khoảng 2/3 giá thành nuôi tôm công nghiệp, phải nhập khẩu tôm bố mẹ từ nước ngoài. 

Ngoài ra, phần lớn hạ tầng vùng nuôi tôm chưa bảo đảm, hệ thống phục vụ nuôi tôm vẫn sử dụng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật cho nuôi tôm; công nghệ vùng nuôi quảng canh hạn chế và chưa được quan tâm đầu tư nên năng suất còn thấp; cách thức sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tạo thành các vùng nguyên liệu lớn đáp ứng sản xuất hàng hóa. Trong khi đó, ngoài Việt Nam, thì các nước nuôi tôm lớn khác đang đẩy mạnh sản xuất, khiến con tôm Việt Nam sẽ chịu tác động cạnh tranh lớn. 

* Phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, ngành tôm là ngành đặc biệt có tiềm năng, lợi thế, cần phát triển thành ngành hàng sản xuất công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững và thân thiện với môi trường theo 2 hướng: Phát triển nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành trung tâm công nghiệp tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp; phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững như tôm rừng, tôm lúa... tại Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương khác có lợi thế về điều kiện sinh thái.
Để phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất một số giải pháp, như: rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh diện tích nuôi tôm cho phù hợp, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long; hình thành các chuỗi sản xuất từ khâu nguyên liệu đến tiêu thụ; kết cấu lại vùng nuôi theo hướng tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng nuôi, ao nuôi có diện tích đủ lớn để sản xuất hàng hóa. 

Bên cạnh đó, để ngành nuôi trồng và chế biến xuất khẩu tôm phát huy được tiềm năng, lợi thế và tăng sức cạnh tranh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm phê duyệt và triển khai Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030 vào quý 2-2017. Theo đó, đưa con tôm vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia và có chương trình khoa học công nghệ dành riêng cho con tôm. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam (ngày 6-2-2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm. Song, chúng ta phải có quyết tâm chính trị đủ lớn cùng giải pháp hữu hiệu, đồng bộ để đưa ngành tôm phát triển lớn mạnh, giúp người nuôi tôm có thu nhập cao hơn, bền vững hơn. 

Về tầm nhìn, quan điểm và chiến lược phát triển ngành tôm Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới và đồng bằng sông Cử Long phải là “thủ phủ” của ngành công nghiệp, nuôi trồng và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. 

Nhắc lại câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải cùng đi”, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tổ chức chuỗi liên kết sản xuất, chế biến xuất khẩu tôm, chuyên môn hóa từ sản xuất giống sạch để Việt Nam hoàn toàn chủ động về con giống; chủ động về thức ăn cho tôm với giá thành phù hợp. Cùng với đó cần quan tâm đến quy trình kỹ thuật canh tác tôm; quy hoạch các vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến công nghệ cao; chú ý sản xuất bao bì và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tôm của Việt Nam. 

Thủ tướng chỉ đạo, trước năm 2025 hoặc đến năm 2025 phải đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD, đưa ngành tôm trở thành ngành chủ lực trong nông nghiệp Việt Nam. 

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2017 đạt 3,3 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2016. Trong đó tôm chân trắng đạt 2 tỷ USD, tăng 8% và tôm sú đạt 900 triệu USD, tăng 2%./. 
 

Bình luận của bạn