Hiện toàn tỉnh có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập được Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các xã, phường, thị trấn của 7/8 huyện, thị xã, thành phố (TP Vĩnh Long, Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, TX Bình Minh, Bình Tân) cũng đã thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động và đi vào hoạt động với quy chế, kế hoạch cụ thể, tăng 4 huyện so với năm 2016.
Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Vĩnh Long những tháng cuối năm 2017, tiếp tục vận động các doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng hóa, phân phối, dịch vụ… xây dựng được thương hiệu cho nhiều sản phẩm hàng hóa chủ yếu của tỉnh để đưa hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt đối với vùng nông thôn; khuyến khích và định hướng tiêu dùng hàng Việt trong cán bộ và nhân dân; chủ động nắm tình hình và kịp thời phát hiện những vướng mắc khó khăn trong triển khai thực hiện cuộc vận động; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ngành để tuyên truyền rộng rãi sử dụng hàng Việt trong toàn tỉnh;…
Biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh Vĩnh Long trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền thông qua đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động, đồng chí Trần Thanh Mẫn cho rằng, chỉ có sự chuyển động về nhận thức từ mỗi cán bộ, công chức đến nhân dân trên toàn tỉnh, từ đó việc sử dụng hàng Việt mới được sử dụng rộng rãi và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Vĩnh Long là tỉnh có quy mô sản xuất, kênh phân phối và kênh tuyên truyền được phát huy hiệu quả, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm các doanh nghiệp của địa phương đến với người tiêu dùng đã được tiến hành thường xuyên, bài bản.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tiếp tục tuyên truyền Thông báo 264-TB/TW của Bộ Chính trị, kết luận 107 – KL/TW của Ban Bí thư và các văn bản của Chính phủ xung quanh việc thực hiện Cuộc vận động, nhất là đối với phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động.
Đồng thời cần tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ hàng Việt. Đặc biệt Ban chỉ đạo cuộc vận động cần tích cực phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn và duy trì được chất lượng hàng Việt tại các phiên chợ từ đó tạo chuyển biến, niềm tin của nhân dân trong việc sử dụng hàng tiêu dùng do chính địa phương mình sản xuất.