Xây dựng, bảo vệ và phát triển hàng hóa thương hiệu Việt Nam
Ngày 12-1, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã đến dự hội nghị tổng kết thực hiện cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016.
Năm 2015, Ban chỉ đạo (BCĐ) CVĐ Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc thực hiện CVĐ trên địa bàn thành phố; xây dựng các kế hoạch hoạt động, tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo tổ chức hoạt động và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện CVĐ trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, công tác tuyên truyền CVĐ đã được BCĐ các cấp, ngành, đoàn thể chỉ đạo sâu sát, toàn diện với nhiều nội dung và hình thức khác nhau, có sức lan toả, rộng khắp, từng bước xây dựng được nét văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam, qua đó thực hiện kế hoạch để 100% người dân biết đến CVĐ.
Đặc biệt, Sở Công thương đã có nhiều giải pháp mới, tổ chức triển khai nhiều chương trình như xây dựng thí điểm các điểm bán hàng cố định với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam" tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; Chương trình "Tự hào hàng Việt Nam" tại các quận, huyện, thị xã; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm có thế mạnh của làng nghề... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng CVĐ, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hoá, tạo sự đa dạng mẫu mã, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm, thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Công ty cổ phần Khoá Việt-Tiệp là một trong những doanh nghiệp điển hình thực hiện tốt CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khoá Việt-Tiệp cho biết, thời gian qua, ban lãnh đạo Khoá Việt-Tiệp đặc biệt chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu; đồng thời, phối hợp với các đối tác đặt ra những yêu cầu khắt khe nhất để sản xuất ra được sản phẩm chất lượng cao. Mặt khác, Khoá Việt-Tiệp đẩy mạnh quảng bá, truyền thông về sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng kênh thông tin đa chiều để người tiêu dùng dễ tiếp cận và phân biệt sản phẩm khoá Việt-Tiệp với các nhãn hàng khác. Quan trọng hơn, đơn vị luôn coi trọng tạo dựng các giá trị ngoài lợi ích cho khách hàng như tạo các dịch vụ chăm sóc chu đáo, bảo hành chất lượng sản phẩm, tổ chức nhiều hoạt động khuyến mãi, tri ân nhằm xây dựng một thương hiệu thân thiện với người tiêu dùng. Đặc biệt, một trong những hoạt động của Khoá Việt-Tiệp được các sở, ngành chức năng cũng như BCĐ CVĐ TP Hà Nội đánh giá cao, đó là đơn vị rất chủ động, tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng triệt phá nhiều đường dây làm giả, thu hồi tang vật và hỗ trợ cơ quan chức năng bắt giữ một số đối tượng, kiên quyết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Trong năm 2015, hưởng ứng CVĐ cũng như chương trình bảo vệ thương hiệu hàng hoá tiêu dùng Việt Nam, Khoá Việt-Tiệp đã tiên phong ứng dụng quy trình xác thực chống hàng giả.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận đó, vẫn còn những doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, ý nghĩa, cơ hội của CVĐ nên không chủ động phối hợp với BCĐ; chỉ chú trọng xuất khẩu, chưa coi trọng việc bảo vệ thương hiệu, nhãn mác của sản phẩm, hàng hoá. BCĐ CVĐ tại một số quận, huyện chưa có giải pháp để quản lý chặt các đơn vị phối hợp tổ chức phiên chợ Việt tại địa phương, do đó chưa kiểm soát được các mặt hàng, chất lượng sản phẩm trưng bày tại phiên chợ, dẫn đến tình trạng hàng hoá còn hạn chế, chất lượng sản phẩm không đúng như đơn vị tuyên truyền, giới thiệu tới người dân.
Để CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đạt được kết quả tốt hơn nữa trong năm 2016, Trưởng Ban Chỉ đạo CVĐ TP Hà Nội Đào Văn Bình khẳng định, phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những mặt còn hạn chế trong năm 2015, thời gian tới, BCĐ CVĐ TP Hà Nội sẽ chỉ đạo các sở, ngành chức năng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền CVĐ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam. Sở Công thương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình bình ổn giá, đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp; tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công; quy chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả...