Xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh

Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam (15/3) năm nay do Bộ Công Thương phát động, tại nhiều địa phương sẽ diễn ra các hoạt động ý nghĩa nhằm giúp doanh nghiệp (DN) kết nối, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng. 

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Sau hơn 5 năm thực thi, ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chưa hoàn thiện, công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả. Đặc biệt, nguồn lực hỗ trợ cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều hạn chế. Đây chính là những rào cản trong việc thực hiện quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn.

Cùng với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ngày 15/3 trở thành Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam. Được biết, hướng tới ngày 15/3 năm nay, Cục Quản lý cạnh tranh đang tích cực triển khai nhiều kế hoạch, chương trình cụ thể như: hưởng ứng Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam 15/3/2017 với chủ đề “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”; tiến hành các hoạt động tăng cường năng lực thực thi của các Bộ, các Sở, các Hội; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên toàn quốc.

Cụ thể, tại TP.HCM, ngày 12/3, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban nhân dân TP.HCM tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam năm 2017. Chương trình nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách và pháp luật. Tham gia sự kiện này có đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế, trường đại học, viện nghiên cứu; cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng, các cơ quan truyền thông báo chí ở Trung ương và địa phương và các tổ chức, cá nhân.

Còn tại Hà Nội, “Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam” năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 17/3 với các hoạt động trọng tâm, như: “Tuần lễ tri ân người tiêu dùng” từ 17/3 – 24/3/2017, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tháng 4,5,6/2017; Giải đáp thông tin về Luật và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua Tổng đài 04.1081 trong cả năm 2017…

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với thông điệp “Hàng hóa an toàn cho người tiêu dùng” các hoạt động hướng tới việc khuyến khích các DN sản xuất hỗ trợ sửa chữa, bảo trì sản phẩm hết hạn bảo hành miễn phí…; các DN phân phối đưa các chương trình chăm sóc khách hàng, tăng thời gian bảo hành, tặng quà, giảm giá… cho người tiêu dùng. Đồng thời, giúp người tiêu dùng phản ánh ý kiến để các DN hoàn thiện quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như có thể lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình.

Đáng chú ý, theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, điểm nhấn của Ngày Quyền người tiêu dùng năm nay của Hà Nội là người tiêu dùng sẽ tham gia “Tuần lễ tri ân người tiêu dùng” tại 30 – 50 điểm thuộc các DN sản xuất, kinh doanh phân phối sản phẩm, hàng hóa uy tín trên thị trường. Theo đó, các DN sẽ treo dấu hiệu nhận biết và kinh doanh, phân phối các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng có nguồn gốc xuất xứ chính hãng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn với người tiêu dùng, niêm yết rõ ràng các thông tin liên quan đến sản phẩm, hàng hóa.

Cùng với đó là hoạt động “Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng” được tổ chức trong 3 ngày 17/3 – 19/3/2017 tại khu vực nhà Bát Giác – Vườn hoa Lý Thái Tổ, với quy mô 60 gian hàng. Các gian hàng tham gia sẽ niêm yết rõ thông tin sản phẩm, giá bán sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tính năng và hướng dẫn sử dụng, đồng thời tư vấn và giải đáp thắc mắc cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Ban tổ chức sẽ thực hiện các hoạt động vì người tiêu dùng như: miễn phí dùng thử sản phẩm, miễn phí tư vấn nhận diện sản phẩm chính hãng, tổ chức các hoạt động giao lưu kết nối với người tiêu dùng, …

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân, sinh viên tại các quận, huyện, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng. Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện dưới hình thức các cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm, trao đổi đa chiều nhằm cung cấp kiến thức pháp luật, các kênh thông tin hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tình huống thực tế đến người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp sinh viên. 

Bình luận của bạn