Xây dựng thương hiệu để nâng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, với việc Việt Nam đang tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng nên yêu cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam là cần phải nâng cao sức cạnh tranh, năng suất cho hàng hóa xuất khẩu.
Đồng thời, đảm bảo tính bền vững khi doanh nghiệp tham gia cạnh tranh với thị trường quốc tế. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu đang mang giá trị, ý nghĩa cho doanh nghiệp khi tham gia cạnh tranh ở thị trường nước ngoài.
Cũng theo ông Bùi Huy Sơn, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp về vấn đề xây dựng thương hiệu. Đó là tổ chức các hội thảo, diễn đàn, các lớp tập huấn, đào tạo. Đồng thời, phát hành các ấn phẩm thông tin tuyên truyền kiến thức về xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu cho các doanh nghiệp. Từ đó, góp phần tích cực tăng cường nhận thức về thương hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước, phát động phong trào xây dựng thương hiệu theo định hướng mà quốc gia hướng tới.
Hiện nay, Chương trình Thương hiệu Quốc gia là chương trình duy nhất của Chính phủ với mục đích quảng bá các hình ảnh thương hiệu quốc gia thông qua các thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa, giao cho Bộ Công Thương chủ trì. Chương trình đã thúc đẩy phát triển, xây dựng được thương hiệu Việt Nam, thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương, thương hiệu ngành hàng… để sản phẩm của Việt Nam có chỗ đứng tại thị trường trong nước cũng như vươn ra thế giới.
Mục tiêu của chương trình này cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, phát triển, bảo vệ thương hiệu. Bên cạnh đó, lựa chọn các thương hiệu tiêu biểu của Việt Nam để hỗ trợ và phát triển theo các giá trị của Chương trình là "chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong". Ngoài ra, quảng bá hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị này trên thị trường trong nước và thị trường thế giới tới các đối tượng mục tiêu.
Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, để xây dựng hình ảnh là đơn vị hàng đầu trong ngành dệt may cũng như định hướng đến tầm khu vực, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, ông Việt hy vọng sẽ có sự hỗ trợ hơn nữa của các đơn vị chức năng trong đào tạo, tư vấn nhằm nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu theo ngành hàng thông qua các hiệp hội, ngành hàng có năng lực cạnh tranh xuất khẩu cũng như xây dựng và thực hiện chiến lược cho ngành. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường quảng bá sản phẩm đạt thương hiệu thông qua các sự kiện thương mại quốc tế…
Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, nếu sản phẩm tốt, chất lượng cao cũng như giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nhưng không có thương hiệu, không được người tiêu dùng biết đến thì sản phẩm đó khó phát triển được. Việt Nam tuy đã có nhiều sản phẩm chất lượng nhưng việc xây dựng thương hiệu quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế.
Trước vấn đề này ông Bùi Huy Sơn cho rằng, so với nền kinh tế khác như châu Âu hay Bắc Mỹ với hàng trăm năm lịch sử thì việc xây dựng thương hiệu của nước ta còn rất mới, nhất là khi Chương trình Thương hiệu Quốc gia mới triển khai đến nay là năm thứ 13. Do vậy , khả năng để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thực sự lớn mạnh và có được tiếng vang lớn trên thị trường thế giới còn hạn chế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam dù đã có chuyển biến về nhận thức đối với xây dựng thương hiệu nhưng tiềm lực, năng lực còn khiêm tốn.
Vì vậy thời gian tới, Chương trình Thương hiệu Quốc gia sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, là hỗ trợ cho các doanh nghiệp để đạt tiêu chuẩn quốc gia; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng như hỗ trợ, quảng bá cung cấp thông tin về thị trường; tổ chức các lớp nâng cao kỹ năng phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại và đặc biệt là tham gia các Chương trình Tự hào Thương hiệu Quốc gia, để chia sẻ, học tập kinh nghiệm và áp dụng vào doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, chia sẻ thông tin, kết nối với thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, để doanh các doanh nghiệp có điều kiện giới thiệu quảng bá thương hiệu của mình. Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp nông sản, xây dựng đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản. Với sản phẩm nông sản chỉ dẫn địa lý sẽ là đặc thù giúp sản phẩm nông sản Việt Nam khẳng định được chất lượng và được nhận biết tại thị trường trong và nước ngoài.