Xây dựng thương hiệu tôm Việt trên thị trường quốc tế

Mặc dù đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng ngành tôm Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về thị trường xuất khẩu và biến động giá tôm...

Ngày 19/6, tại thành phố Bạc Liêu, Tổng Cục thủy sản, Hội nghề cá Việt Nam và UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp tổ chức Diễn đàn tôm Việt với chủ đề: “Xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam” nhằm gắn kết người nuôi với các bên tham gia trong chuỗi giá trị tôm Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại, định hướng phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam, góp phần nâng cao giá trị, hình ảnh và thương hiệu tôm Việt. 



Diễn đàn tôm Việt là sáng kiến của Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) trong khuôn khổ triển khai dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững, công bằng tại Việt Nam-SusV” và dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp nông nghiệp tại Đông Nam Á- GRAISEA”. 

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS) cho biết, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản xuất tôm và dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú. Hơn nữa, đây cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản của Việt Nam. 
Theo thống kê gần đây, hàng năm ngành thủy sản đóng góp hơn 3% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường 164 quốc gia trên thế giới; trong đó, tôm là một trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực, với tổng giá trị kim ngạch chiếm khoảng 45% giá trị kim ngạch toàn ngành thủy sản, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ gia đình. Bình quân tăng trưởng của nghề nuôi trồng, chế biến xuất khẩu tôm đạt 6,82%/ năm. 

Tại diễn đàn nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng trong 20 năm vừa qua, ngành tôm Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về thị trường xuất khẩu và biến động giá tôm, nhất là những năm gần đây người nuôi gặp nhiều khó khăn về con giống, dịch bệnh. 

Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng này và đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra là đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD thì cần xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Theo đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ các giải pháp để xây dựng thương hiệu tôm Việt như: hoàn thiện các hợp phần trong xây dựng thương hiệu; giải pháp xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị ngành tôm; việc truy xuất nguồn gốc và quản trị chuỗi tôm… 

Tiến sĩ Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy sản cho hay, ngành tôm Việt Nam cần có những cải tiến để nâng cao thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vì vậy, cần có nhiều giải pháp nhất là cần phải cân đối được cung cầu sản xuất, khâu tổ chức liên kết, truy xuất nguồn gốc tổ chức chứng nhận… 

Ông Trần Đình Luân nhấn mạnh, mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã xây dựng thương hiệu tôm nhưng vẫn chưa có sự liên kết để tạo ra sức mạnh để tạo ra thương hiệu riêng. Do đó, diễn đàn sẽ là cầu nối giúp các doanh nghiệp tiếp cậnvà khai thác tốt lợi thế trong việc xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt Nam./.
 

Bình luận của bạn