Xây dựng trục ba sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp
Năm 2017, ngành nông nghiệp tiếp tục quá trình tái cơ cấu với định hướng xây dựng ba nhóm sản phẩm chủ lực: Nhóm sản phẩm vùng/miền có quy mô nhỏ, phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “mỗi làng, xã một sản phẩm”; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh/thành phố; nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, bao gồm những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD và thịt lợn. Với những đặc điểm chung của ngành nông nghiệp, của nông thôn Việt Nam cộng thêm đặc thù từng vùng miền, ngành hàng, sản phẩm, việc xây dựng ba trục sản phẩm có những kết quả khác nhau, đã mang lại những bài học kinh nghiệm quý giá.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước hiện có hơn 56.000 doanh nghiệp, 797 HTX, 119 tổ hợp tác và gần 330.000 hộ gia đình tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn. Đến nay, cả nước có 5.411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Một số làng nghề từng bị mai một trong thời kỳ bao cấp, đang dần được khôi phục và phát triển.
Một mô hình, hai cách thực hiện
Hiện số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng lên với tốc độ bình quân từ 8,8 đến 9,8%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của làng nghề khoảng 15%. Hoạt động sản xuất của làng nghề đã thu hút 30% số lao động và tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động nông thôn, với thu nhập ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, hàng thủ công mỹ nghệ trở thành mặt hàng chủ lực, từ năm 2000, kim ngạch xuất khẩu luôn đạt tốc độ tăng trưởng hơn 12% mỗi năm.
Trung tuần tháng 3 này, chúng tôi về làng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống Phù Khê Thượng (xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Những công trình kiến trúc đình chùa miếu mạo trên vùng đất Kinh Bắc xưa, rất nhiều là do những tốp thợ Phù Khê làm nên. Ngoài nghề đục chạm làm nhà cửa, đình chùa..., người làng Phù Khê còn làm đồ gỗ dân dụng, đồ gỗ mỹ nghệ, như hương án, tủ sách, hoành phi, câu đối, tượng Phật, tràng kỷ, tủ chè, hộp, tráp… Có loại đồ gỗ được khảm trai, chạm thủng, có loại chạm kênh bong, hoặc chạm nổi, chạm chìm... được khách hàng trong nước và ngoài nước yêu thích.
Ngày nay, người làng Phù Khê vẫn tiếp nối nghề truyền thống, gây dựng và phát triển mạnh mẽ. Trong tổng số 2.600 hộ của xã, có tới 90% số hộ làm đồ gỗ mỹ nghệ. Bác Ngô Đình Nhân, chủ cơ sở sản xuất gỗ lớn trong vùng cho biết: Từ năm 1997 khi Bắc Ninh tách tỉnh, kinh tế địa phương phát triển, giao thương hàng hóa bắc-nam thông suốt, nghề gỗ mỹ nghệ truyền thống cũng phát triển theo, thu nhập của hộ dân tăng đều.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” tại Phù Khê còn tự phát, ngẫu hứng, chỉ hoạt động mang tính duy trì truyền thống, chưa có chiến lược phát triển thương hiệu rõ ràng theo nhu cầu mới của thị trường.
Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu mô hình dạng này, nhưng có tính tổ chức cao hơn ở Quảng Ninh. Từ năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt, triển khai đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm”, mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai chương trình bài bản, có hệ thống. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu, đây là chương trình được vận dụng, phát triển trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản và chương trình mục tiêu quốc gia “Mỗi cộng đồng một sản phẩm” của Thái-lan, với mục tiêu: Hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Câu chuyện sản xuất miến dong tại Bình Liêu là một thí dụ. Đây là huyện miền núi phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, thuộc nhóm huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất cả nước; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 30% của tỉnh và 50% của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 là 11,16% theo tiêu chí mới, cao hơn 6,6 lần so với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh. Nhưng từ năm 2006, Bình Liêu đã khai thác thế mạnh của địa phương trong tổ chức sản xuất theo hướng “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, để tăng thu nhập cho người dân, như: “Miến dong”, “Dầu sở” và “Mật ong Bình Liêu”. Trong đó, trọng tâm là khôi phục nghề miến dong truyền thống, với đầu tàu là Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu. Ngay từ những năm đầu sản xuất miến, địa phương xác định phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quan tâm chất lượng và mẫu mã hàng hóa. Năm 2007, thương hiệu “Miến dong Bình Liêu” được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu chứng nhận tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Hiện nay, sản phẩm được bán tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh..., với mẫu mã ngày càng cải thiện, sản lượng tăng trưởng theo từng năm. Ước tính có hơn 2.000 hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn trồng dong riềng bán cho doanh nghiệp (DN), với thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng đến 50 triệu đồng mỗi hộ, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Nhân rộng mô hình
Ông Tăng Minh Lộc, Phó Chủ tịch Hội Phát triển khoa học nông nghiệp Việt Nam đánh giá: Từ kết quả của Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố đã khẳng định ý nghĩa của chương trình “Mỗi làng một sản phẩm”, bởi nó giúp nâng cao hoặc phát triển mới, tạo ra nhiều sản phẩm tốt, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Qua đó tăng thu nhập cho các thành viên tham gia, trước hết là cư dân nông thôn. Đây là giải pháp thiết thực, rất phù hợp yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Để nhân rộng những mô hình như ở Quảng Ninh, không chỉ tuyên truyền, hô hào suông mà cần tìm ra những giải pháp mang tính thực tiễn cao. Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, mấu chốt cơ bản làm nên thành công cho mô hình là xác định đúng sản phẩm và tổ chức kinh tế, đồng thời chỉ đạo để thực hiện tốt cả hai vấn đề này.
Về sản phẩm, thông tin thị trường mà hộ sản xuất cần là nhu cầu chủng loại sản phẩm, chất lượng, sản lượng, giá cả, thị hiếu, mẫu mã bao bì, quy trình sản xuất, pháp lý. Vấn đề này các hộ thực hiện được một phần, Nhà nước phải đóng vai trò chính, để giải quyết khâu kết nối thị trường và xác định, phân tích lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Khi xác định được nhu cầu thị trường thì các hộ tập trung sản xuất, hằng năm cải tiến nâng cao chất lượng, đổi mới sản phẩm. Theo chu trình OCOP (mỗi làng một sản phẩm) hộ sản xuất luôn có cơ hội tham gia, không phải bỏ cuộc, còn thị trường ngày càng có sản phẩm hoàn chỉnh.
Về tổ chức kinh tế, muốn thông tin thị trường đến được nhà sản xuất và phát huy được thì nhà sản xuất nên là tổ chức kinh tế. Trong chương trình OCOP tại Quảng Ninh, đã tập trung vào tổ chức kinh tế cộng đồng, như HTX, các DN nhỏ và vừa, định hướng phát triển và ưu tiên công ty cổ phần. Khi có ý tưởng thì DN, HTX được thành lập hoặc tái cấu trúc, hay ngược lại DN, HTX được thành lập để sản xuất sản phẩm cụ thể. Ban điều hành OCOP các cấp có trách nhiệm tư vấn, tập huấn, hỗ trợ thủ tục để người sáng lập DN, HTX hiểu được Luật DN, Luật HTX, xác định cơ cấu, quy mô vốn cho dự án sản xuất, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản trị sản xuất. Đây là khâu rất khó và kỳ công, tốn nhiều thời gian, nhưng nếu giải quyết được sẽ là chìa khóa để mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia ngành nghề nông thôn, muốn nhân rộng nhanh mô hình, Chính phủ cần đưa chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” thành chương trình quốc gia (nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) nhằm tạo thế và lực cho phát triển. Đồng thời, phải có chính sách hỗ trợ ban đầu cho địa phương khi “khởi nghiệp”, hoặc hỗ trợ nhóm “sản phẩm địa phương” trong chiến lược phát triển thành nhóm “Sản phẩm tỉnh, thành, sản phẩm quốc gia”.