Xuất khẩu cà phê tăng tốc

Tiêu thụ cà phê đang khả quan sau cơn “đại hạn”, giá cà phê tăng lên mức kỷ lục tính từ đầu niên vụ đến nay, đã tạo đà cho xuất khẩu (XK) cà phê tăng tốc trở lại.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) - cho biết, so với cuối tháng 5/2016, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên tháng 6 đã tăng thêm 1.700 đồng/kg, lên mức 37.200-37.600 đồng/kg. So với thời điểm cuối năm ngoái, giá cà phê đã tăng 4.200-4.300 đồng/kg và hiện đã chạm mức cao nhất tính từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, mức giá này so với nhiều năm trước vẫn thấp, như ở niên vụ trước, giá cà phê lúc cao nhất đạt khoảng 41.000 đồng/kg.

Giá cà phê tăng trở lại do nguồn cung sụt giảm bởi tình hình hạn hán ảnh hưởng đến nhiều nước trồng cà phê, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, tình trạng thiếu nước, khô hạn đã đe dọa trên 165.000 ha (chiếm gần 30% tổng diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên), trong đó có tới 40.000 ha cây cà phê bị hư hỏng.

“Giá tăng nên các DN cà phê đã đẩy mạnh XK. Từ tháng 10/2015 - 5/2016 đã tăng 36% so với cùng kỳ vụ trước, lên mức 1,17 triệu tấn” - đại diện Vicofa khẳng định.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), XK cà phê tháng 6 ước đạt 158 nghìn tấn với giá trị đạt 289 triệu USD, đưa khối lượng XK cà phê 6 tháng đầu năm đạt 985 nghìn tấn, đạt giá trị 1,71 tỷ USD, tăng 39,8% về khối lượng và tăng 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Xét về thị trường, Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 15,85% và 12,89%. Giá trị XK cà phê trong nửa đầu năm 2016 ở hầu hết các thị trường chính của nước ta đều tăng so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, các thị trường có giá trị XK cà phê tăng mạnh là Philippines (75,9%), Trung Quốc (54,63%), Nga (48,73%), Mỹ (30,59%), Đức (17,59%) và Nhật Bản (13,88%).

Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng Thư ký Vicofa - cho hay, do hạn hán kéo dài nên dự báo sản lượng của Việt Nam giảm khoảng 30% so với niên vụ trước. Bên cạnh đó, ước tính của các tổ chức quốc tế cho thấy, sản lượng cà phê thế giới sẽ giảm khoảng 1 triệu bao (60 kg/bao) và lượng tồn kho không còn nhiều nên giá cà phê vẫn sẽ ở mức cao trong thời gian tới.

Thực tế, tại sàn London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7/2016 tăng 24 USD/tấn lên 1.689 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 9 tăng 23 USD/tấn lên 1.712 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 11 tăng 24 USD/tấn lên 1.726 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 12 tăng 24 USD/tấn lên 1.737 USD/tấn. Dưới tác động của giá cà phê trên thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá cà phê nội địa. Nhiều hộ trồng cà phê tại Tây Nguyên đang kỳ vọng giá có thể lên tới 39.000 - 40.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, giá cà phê tăng cao trong vụ mùa năm nay là do các yếu tố bất thường nên không đảm bảo tính ổn định. Người nông dân có khả năng gặp rủi ro cao nếu dự trữ quá nhiều. Về lâu dài, vẫn phải vừa ổn định sản lượng vừa nâng cao chất lượng cà phê.

Hiện, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Ngân hàng thế giới triển khai Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Trong năm 2016, dự án sẽ hỗ trợ 63.000 hộ nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên về nguồn tín dụng, đào tạo kỹ thuật, công nghệ canh tác để giúp nông dân tái canh cà phê hiệu quả, sản xuất và quản lý cà phê bền vững. Trong đó, riêng “thủ phủ” cà phê Đắk Lắk sẽ được hỗ trợ 12,5 triệu USD trên diện tích 10.000ha cà phê cần tái canh, để từ đó tạo ra các sản phẩm cà phê có chất lượng và giá trị cao hơn.

Bình luận của bạn