Xuất khẩu chanh sang Hàn Quốc.

Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ chanh Cao Lãnh cho biết, Công ty In Jae (Hàn Quốc) đã ký hợp đồng liên kết thu mua sản phẩm chanh tươi của hợp tác xã, bình quân mỗi tháng mua 80 tấn chanh.

Theo ông Phạm Minh Cường - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ chanh Cao Lãnh, hiện Công ty In Jae đã đồng ý với chất lượng và mẫu mã sản phẩm chanh của HTX. Theo đó, mỗi tháng HTX sẽ cung cấp sản phẩm chanh tươi 4 lần tại chợ đầu mối trái cây Mỹ Hiệp, mỗi đợt khoảng 20 tấn. 

Ông Cường cho biết, yêu cầu họ đặt ra là sản phẩm chanh phải đảm bảo để đáp ứng loại chanh tốt xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hợp tác xã tiêu thụ chanh Cao Lãnh thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, mẫu mã và chất lượng phải đồng nhất. Sau khi thu hoạch, chanh phải được sơ chế, test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hút chân không tại HTX. 

Theo thỏa thuận ban đầu, Công ty In Jae đồng ý mua chanh của HTX với mức giá 20.000 đồng/kg (mức giá cố định cho 6 tháng đầu năm) và 12.000 đồng/kg (cho 6 tháng cuối năm). 

Ở xã Bình Thạnh huyện Cao Lãnh và xã An Hiệp, huyện Châu Thành là 2 nơi trồng chanh theo VietGAP nhiều nhất tỉnh, đã có 75 hộ tham gia, bình quân mỗi ha cho năng suất từ 8 - 10 tấn quả, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng/ha. Vào thời điểm nắng nóng hiện nay rất khan hiếm chanh, cho nên giá chanh tăng gấp 2 - 3 lần so với đầu năm, bán với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, loại chanh giấy bán từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. 

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh cho biết, trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu của công ty nhập khẩu, huyện hướng dẫn nông dân duy trì sản xuất theo quy trình an toàn, vận động các địa phương hỗ trợ HTX trong việc vận động nhà vườn tham gia vào HTX để có được sản lượng ổn định.

Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng diện tích sản xuất chanh an toàn ở các xã lân cận để làm vệ tinh cung ứng cho HTX. 

Diện tích trồng chanh ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có hơn 800ha, một trong những huyện trồng chanh nhiều nhất tỉnh, hiện nay bán với giá rất cao, trồng nhiều nhất là loại chanh bông tím, chanh núm. 

Hiện tỉnh Đồng Tháp cũng nhân rông mô hình trồng chanh theo VietGAP lên hơn 100ha và huyện Cao Lãnh xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa đối với cây chanh để tạo thuận lợi đầu ra cho sản phẩm. 
 

Bình luận của bạn