Xuất khẩu gạo- Cơ hội rộng mở
Các hợp đồng xuất khẩu (XK) gạo mới được ký kết cùng tín hiệu tích cực từ thị trường giúp hoạt động XK mặt hàng này có nhiều khởi sắc.
Tín hiệu tích cực
Mới đây, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã trúng gói thầu XK 2 triệu tấn gạo với giá trị gần 1 tỷ USD sang thị trường Philippines. Đây là hợp đồng tỷ USD mới nhất của ngành lúa gạo, có vai trò quan trọng trong việc góp phần hoàn thành mục tiêu những tháng cuối năm, đồng thời nâng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường XK gạo.
Đơn hàng từ Vinafood 2 đã và đang tiếp tục kéo dài thành tựu cho XK mặt hàng gạo. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp (DN) đã XK 4,534 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,287 tỷ USD, tăng 10,9% về lượng và 27% về kim ngạch so với cùng kỳ 2017. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam khi chiếm 22,4% về lượng và 23,2% tổng kim ngạch. Tiếp đó là Indonesia (chiếm 17% về lượng và 15,8% về kim ngạch), Philippines (13,5% về lượng, 12,2% về kim ngạch…
Riêng nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã mời đoàn DN Trung Quốc vào khảo sát các cơ sở sản xuất, chế biến gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các DN Trung Quốc đánh giá cao cơ sở sản xuất, chế biến gạo của các DN Việt Nam, đồng thời thể hiện mong muốn tiếp tục hợp tác thương mại gạo với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực phân phối hệ thống siêu thị tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Đây là cơ hội để tăng số lượng DN được XK gạo chính ngạch vào thị trường này.
Cơ hội trong những tháng cuối năm
Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ nay đến cuối năm, bình quân mỗi tháng, DN có thể XK được khoảng 400.000 tấn gạo; trong đó, XK mạnh sang 3 thị trường chính là Indonesia, Philippines, Trung Quốc… Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, nhiều thị trường sẽ tiếp tục gia tăng lượng nhập khẩu, là cơ hội cho các nước XK gạo, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, tại Philippines, quốc gia này đang có nhu cầu nhập khẩu thêm 500.000 - 800.000 tấn gạo bổ sung kho dự trữ cạn kiệt và ổn định giá gạo trong nước. Các nước khác như Indonesia, châu Phi... cũng có nhu cầu nhập khẩu gạo những tháng cuối năm nhằm đối phó với tình hình sản xuất suy giảm do bão, lũ. Chưa kể, sản lượng lúa gạo của một trong những đối thủ XK gạo của Việt Nam là Campuchia đang bị sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của lũ lụt liên tiếp. Điều này sẽ góp phần làm cho kim ngạch XK gạo của nước này trong các tháng tới giảm sút, tạo cơ hội cho các DN XK gạo có cơ hội tiếp cận những thị trường mới như châu Âu, Trung Quốc...
Đặc biệt, Nghị định 107/2018 về XK gạo có hiệu lực từ ngày 1/10 là cơ hội lớn cho các DN XK gạo, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, tìm kiếm cơ hội XK mới. Theo các chuyên gia, cải cách lớn nhất của nghị định này là gỡ bỏ yêu cầu quy mô kho chuyên dùng tối thiểu 5.000 tấn và cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ. Bên cạnh đó, hàng loạt thay đổi mới như bỏ quy định về lượng gạo tồn trong kho; tỷ lệ dự trữ lưu thông giảm từ 10% xuống 5%... là những cải cách rất ưu việt, khiến chi phí của DN giảm xuống rất nhiều, tăng khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường thế giới.