Xuất khẩu gạo: Tìm cơ hội trong khó khăn
XK gạo năm nay được dự báo vẫn rất khó khăn, ảm đạm. Nhưng vẫn có những cơ hội về đầu ra cho hạt gạo Việt Nam.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong năm 2016, Việt Nam và Ấn Độ là 2 trong số 5 nước XK gạo lớn nhất thế giới bị giảm về lượng gạo XK. Nếu như Ấn Độ chỉ giảm nhẹ 4,64% so với năm 2015, thì Việt Nam giảm mạnh tới 25,15%.
Trong khi đó, 3 nước còn lại là Thái Lan, Pakistan và Mỹ đều tăng lượng gạo XK, dù mức tăng khá khiêm tốn. Điều đó cho thấy tuy thị trường gạo thế giới nói chung đang khá trầm lắng, nhưng việc sụt mạnh về lượng gạo XK của Việt Nam, ngoài yếu tố thị trường, còn có nguyên nhân không nhỏ từ chính hoạt động sản xuất và kinh doanh lúa gạo của chúng ta đang khiến cho hạt gạo Việt Nam kém sức cạnh tranh hơn so với gạo của các nước XK khác.
Thị trường gạo thế giới năm 2017 sẽ ra sao? Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2016/2017 ước đạt kỷ lục 480 triệu tấn gạo xay xát, tăng 1,6% so với niên vụ trước. Sản lượng gạo gia tăng chủ yếu do việc mở rộng diện tích sản xuất lúa ở nhiều nước như Úc, Myanmar, Brazil, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Triều Tiên, Pakistan, Thái Lan và Mỹ.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu thương mại gạo toàn cầu năm 2017 được dự báo ở mức 40,6 triệu tấn, tăng 2,5% so năm 2015, nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục 44,1 triệu tấn năm 2014. Tuy nhiên, do nguồn cung tăng và chưa có nhu cầu NK gấp từ các nước NK nên đến thời điểm này, nhu cầu trên thế giới vẫn chưa rõ nét. Dự báo thị trường châu Á vẫn đang có nhu cầu yếu, còn thị trường châu Phi sẽ tăng nhẹ.
Trong bối cảnh ấy, XK gạo của Việt Nam tiếp tục gặp khó ngay từ đầu năm. Đến hết tháng 12/2016, lượng gạo đã ký hợp đồng XK chuyển sang thực hiện trong năm 2017 chỉ có 547 ngàn tấn, thấp hơn nhiều so với lượng gạo ký hợp đồng năm 2015 chuyển sang thực hiện trong năm 2016. Thị trường khó khăn tới mức tại Hội nghị Tổng kết năm 2016 và phương hướng năm 2017, VFA không đưa ra định hướng về chỉ tiêu XK gạo năm nay.
Dù vậy, theo thông tin từ một số doanh nhân ngành gạo, vẫn có những cơ hội nhất định cho hạt gạo Việt Nam, nhất là với một số loại gạo có giá trị cao.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Intimex, về lâu dài, gạo trắng Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với gạo trắng của các nước khác trên thị trường quan trọng, nhất là Trung Quốc. Nhưng Việt Nam lại có lợi thế lớn về gạo nếp. Năm 2016, theo đánh giá của thương nhân Việt Nam, sản lượng nếp nước ta khoảng 1,5 triệu tấn. Còn theo đánh giá của thương nhân Trung Quốc là khoảng 2 triệu tấn. Trong đó, mới thực hiện XK sang Trung Quốc khoảng 1 triệu tấn. Nhu cầu gạo nếp là không nhỏ, vì hầu hết những quốc gia có cộng đồng người Hoa sinh sống đều có nhu cầu NK loại gạo này.
Gạo Japonica cũng là một bất ngờ không nhỏ trong XK gạo 2016. Năm qua, nước ta đã XK 158.473 tấn gạo Japonica, tăng 136,95% so năm 2015. Nhu cầu NK gạo Japonica trên thế giới không lớn, chỉ khoảng 900 ngàn tấn vì hầu hết những nước sử dụng gạo Japonica đều tự sản tự tiêu loại gạo này. Nhưng gạo Japonica của Việt Nam vẫn có tiềm năng nhất định ở những thị trường nhỏ, không đòi hỏi cao về mặt chất lượng.
Bên cạnh đó, gạo thơm vẫn có tiềm năng lớn về mặt thị trường. Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, cho biết, thế mạnh của gạo thơm Jasmine Việt Nam là giá chỉ khoảng 600 USD/tấn. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho gạo thơm Việt Nam cạnh tranh được tại nhiều thị trường khi mà giá gạo thơm từ các nước khác đều từ hơn 800 USD/tấn trở lên.
Riêng với thị trường lớn nhất là Trung Quốc, tuy XK gạo sang nước này đang ngày càng khó khăn hơn, nhưng không phải không có cơ hội. Ông Đỗ Hà Nam cho hay, nhiều tỉnh phía Bắc nước này đang sử dụng nhiều gạo NK từ Việt Nam (có tỉnh 65% lượng gạo NK là từ Việt Nam), có tỉnh đang đấu tranh với Chính phủ Trung Quốc để được NK gạo từ Việt Nam.