Xuất khẩu gạo: Vừa vui vừa… lo
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), so với cùng kỳ năm 2015, tình hình xuất khẩu gạo ba tháng đầu năm khá thuận lợi, tăng 57,6% về lượng và tăng 51,1% về giá trị, lượng xuất khẩu đạt 1,4 triệu tấn, với 577 triệu USD (giá FOB - giá tại cửa khẩu của bên xuất hàng), bình quân 404,7 USD/tấn (FOB). Nhưng diễn biến hiện nay rất khó cho doanh nghiệp (DN).
Giá tăng nhanh hơn nhu cầu thị trường
Lượng gạo xuất khẩu ba tháng đầu năm nay ở mức cao so với bình quân xuất khẩu quý 1 các năm và cao hơn năm 2015 gần 58%, giúp cho việc tiêu thụ lúa gạo của người dân dễ dàng hơn thay vì phải mua tạm trữ.
Theo VFA, sự tăng trưởng này là do hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm 2015 còn nhiều, đặc biệt là hợp đồng tập trung, còn gọi là hợp đồng cấp chính phủ (G-to-G), với Indonesia, Philippines chiếm 51,4%, và hợp đồng thương mại ký mới với Trung Quốc tăng 23%.
VFA cho biết, hợp đồng đã đăng ký trong 3 tháng vẫn tăng so với cùng kỳ 2015, nhờ đó tiếp tục giữ được tiến độ xuất khẩu những tháng tới, chưa tính các hợp đồng ký mới, chủ yếu là các hợp đồng thương mại, phần lớn là gạo thơm, gạo trắng và nếp. Đây là tín hiệu tích cực so với đầu năm 2015.
Hiện nay, do nhu cầu thực hiện các hợp đồng đã ký trước và tác động của hạn hán, xâm nhập mặn làm giảm diện tích và sản lượng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long, nên giá gạo trong nước tăng mạnh so với diễn biến thị trường thế giới. Cuối tháng 3, giá lúa hạt dài tại ruộng bình quân hơn 5.200 đồng/kg, so với đầu năm 2016 là 4.700 đồng/kg.
Giải thích về giá lúa gạo tăng mạnh hiện nay, ông Nguyễn Văn Tiến (Công ty cổ phần Angimex - An Giang) cho rằng, nhu cầu giao dịch thương mại trên thị trường hiện chưa nhiều mà giá lúa gạo tăng mạnh thời gian qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý bị tác động, do đầu cơ hơn là thực chất từ thị trường.
Giá lúa gạo tăng mạnh giúp bà con bù đắp phần nào thiệt hại do hạn mặn gây ra, nhưng với không ít DN, nhất là các DN đã ký hợp đồng thương mại khi giá còn thấp, nay để thực hiện hợp đồng với giá khá cao sẽ gặp bất lợi, trừ những DN có chân hàng, ký và giao ngay thì tạm ổn. Hiện giá gạo Việt Nam ở mức cao nhất so với nguồn cung các nước xuất khẩu khu vực châu Á, trong đó cao hơn gạo Thái Lan 10 - 20USD/tấn.
Đây là điều bất lợi cho DN Việt Nam do thiếu khả năng cạnh tranh, giá chào bán gạo trắng ở mức cao so với các nguồn cung cấp khác có thể mất thị phần đối với nhu cầu mới trong thời gian tới, nhưng lượng hợp đồng ký mới vẫn ổn định nhờ phần lớn là hợp đồng gạo thơm và nếp, riêng gạo trắng còn hợp đồng với Cuba ký trước đó.
Theo VFA, thị trường gạo thế giới vẫn trong tình trạng suy yếu, thị trường vẫn chưa có động lực mới nên nhu cầu vẫn trầm lắng, mặc dầu có nhiều quan ngại về khô hạn ở Đông Nam Á. Ngay cả Trung Quốc cũng cho thấy có sự điều chỉnh khi giá gạo Việt Nam cao hơn.
Tuy nhiên, trích dẫn dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Viện Lúa IRRI cho rằng, tồn kho gạo của 5 nước xuất khẩu chính chạm đỉnh năm 2013 là gần 41 triệu tấn, hiện đang có sự sút giảm lớn nhất trong năm nay - giảm 40% so với năm trước xuống còn 19 triệu tấn, đối diện với tình hình cung cấp căng thẳng lần đầu kể từ năm 2007-2008.
Cân đối nguồn cung và thời gian nhập khẩu
Theo Reuters, Chính phủ Philippines vừa bật đèn xanh để Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) sẽ mua 500.000 tấn gạo theo hợp đồng chính phủ trong thời gian tới, giúp giảm nhẹ tác động hạn hán do El Nino. Việt Nam, Thái Lan và Campuchia là các nước mà NFA hướng đến vì có thỏa thuận cấp chính phủ, nhưng khả năng dự thầu của Campuchia không cao. Kinh nghiệm cho thấy, hợp đồng tập trung thường trúng thầu với giá tốt.
Thế nhưng, cũng như Philippines, Thái Lan và Việt Nam đang bị tác động bởi hạn hán lịch sử, tạo nên áp lực nguồn cung hạn chế. Thông tin mới nhất từ Philippines, kế hoạch nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo chưa được xác định thời gian, do lo ngại khả năng thị trường sẽ tăng giá mạnh bởi tác động hạn hán làm thiệt hại sản xuất khắp Đông Nam Á, nhất là Việt Nam hiện nay có giá cao hơn các nước xuất khẩu chính.
Sự trì hoãn này có những tác động khác nhau, trước mắt không đẩy giá trong nước tăng mạnh hơn nữa, nhưng những tháng tới còn có thêm nhu cầu các nước khác mua vào, phải tính đến trong bối cảnh nguồn cung không dồi dào như hàng năm.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm nay Trung Quốc nhập khẩu tương đương với 2015, khoảng 5 triệu tấn. Ba tháng đầu năm, Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất mua gạo Việt Nam, với lượng xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc tăng hơn 50%. Cùng với tác hại của hiện tượng El Nino, nhu cầu nhập khẩu từ Indonesia không thể không tính đến.
Hiện nay Bulog, cơ quan đảm trách việc nhập khẩu của Indonesia vẫn chưa có động tĩnh cụ thể do luật pháp nước này chỉ cho nhập khẩu khi mùa vụ trong nước thu hoạch xong. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là cần xem xét và cân đối khả năng nguồn cung trong nước, nguyên nhân chính tác động đến giá gạo trên thị trường.
Mặc dù Bộ NN-PTNT trấn an về lượng sản xuất lúa gạo cả năm sẽ không biến động nhiều, nhưng với người kinh doanh phải là thực tế trên đồng ruộng. Nắm chắc thông tin nguồn cung các nước và nguồn cung trong nước như thế nào, từ đó tính toán nhu cầu các tháng cuối năm để định ra giá thầu phù hợp, tránh tình huống sau khi trúng thầu ở Philippines, giá lúa gạo tăng mạnh những tháng cuối năm.
Bài học những năm trước của Việt Nam và Thái Lan cho thấy, dù trúng thầu cao hơn giá thị trường, nhưng giá gạo trong nước sau đó biến động mạnh nên có khả năng hợp đồng cung cấp gạo sang Philippines không có lời.