Xuất khẩu giày dép sang các thị trường 8 tháng đầu năm 2016
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang các thị trường trong 8 tháng đầu năm 2016 đạt 8,53 tỷ USD, chiếm 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, tăng 7,32% so với cùng kỳ năm 2015. Tính riêng trong tháng 8 năm 2016, kim ngạch xuất nhóm hàng này đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 7/2016.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường chủ đạo của xuất khẩu giày dép Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2016, kim ngạch đạt 2,97 tỷ USD và chiếm trên 34,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 9,15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ 2 về kim ngạch tiếp tục là thị trường Trung Quốc, với 581,88 triệu USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường có kim ngạch đứng thứ 3 là Bỉ với 536,67 triệu USD, tăng 17,8%. Tiếp đến là thị trường Đức đạt 477,7 triệu USD và Nhật Bản đạt 471,1 triệu USD, với mức tăng trưởng tương ứng 7,4% và 15,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang đa số các thị trường trong 8 tháng đầu năm 2016 đều tăng trưởng dương về kim ngạch so với cùng kỳ. Đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn đều tăng trưởng dương, nhưng mức tăng mạnh lại thuộc các thị trường như: Ucraina (+70%); Achentina (+46%); Thái Lan (+30%); Phần Lan (+29%).
Dự đoán, trong thời gian tới, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường EU sẽ khó khăn hơn, do EC vừa công bố áp thuế chống bán phá giá sản phẩm giầy mũ da của một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Uỷ ban Châu Âu Âu (EC) vừa đã đăng công báo số L 245/16 thực thi Quy định 2016/1647 về kết luận cuối cùng vụ việc rà soát áp thuế chống bán phá giá sản phẩm giầy mũ da của Việt Nam. EC kết luận giữ nguyên quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 7/10/2006 đến 31/3/2011.
Trước đó, vào năm 2005, EC thông báo điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc. Năm 2006, EC ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá theo đó mức thuế đối với Trung Quốc là 16,5%, Việt Nam là 10%.
Đến năm 2011, biện pháp chống bán phá giá này đã được chấm dứt đối với Việt Nam và một số công ty của Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2010 và 2012, một số nhà nhập khẩu giày da của EU đã yêu cầu cơ quan hải quan hoàn lại tiền thuế chống bán phá giá với lý do lệnh áp thuế chống bán phá giá là không phù hợp. Yêu cầu này đã được đệ trình lên Toà án Tư Pháp thuộc Liên minh Châu Âu (CJEU) để tiến hành xem xét, đánh giá tính hợp lệ của lệnh áp thuế.
Ngày 4/2/2016, CJEU đã ban hành phán quyết cho rằng việc quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam bị vô hiệu một phần, do EC đã tiến hành điều tra không phù hợp với quy định liên quan đến đối xử như nền kinh tế thị trường “Market economy treatment – MET” và đối xử riêng rẽ “Individual Treatment – IT” đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Ngày 17/3/2016, căn cứ phán quyết của CJEU, EC thông báo tiến hành rà soát Quyết định số 1472/2006 áp thuế chống bán phá giá nói trên. Ngày 30/5/2016, EC đã ban hành kết luận sơ bộ rà soát vụ việc áp thuế chống bán phá giá sản phẩm giầy mũ da theo phán quyết của CJEU. Quy định 2016/1647 sẽ bắt đầu hiệu lực vào ngày đăng công báo này (ngày 14/9/2016).