Xuất khẩu gỗ: Vượt mốc 11 tỷ USD

Kết thúc năm 2019, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam chính thức chinh phục con số 11 tỷ USD xuất khẩu (XK), tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. Vượt qua nhiều cảnh báo rủi ro và cả những thách thức nội tại, các doanh nghiệp (DN) trong ngành đã khẳng định bản lĩnh, khả năng ứng biến để có thể làm chủ “cuộc chơi”.

Xuất khẩu vượt đích

Theo dự báo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2019, XK gỗ đạt 11,3 - 11,5 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra (10,5 tỷ USD). Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho hay, mặc dù Việt Nam chưa phải là trung tâm sản xuất gỗ của thế giới, nhưng với nội lực của DN cùng các cơ hội thị trường đã thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng XK khoảng 20% trong năm 2019.

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, năm 2019, ngoài XK gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ tăng mạnh, nhiều thị trường khác cũng tăng trưởng khả quan như: Nhật Bản, Anh, Canada, Đức và Hà Lan. Trong đó, Nhật Bản và Canada là các thị trường thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), XK gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tốt sang hai thị trường này thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định. Với CPTPP, việc cam kết cắt giảm thuế quan của các nước thành viên làm tăng khả năng cạnh tranh, giúp gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường này.

EU cũng là một trong những thị trường XK chính đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Trong thời gian tới, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê chuẩn và có hiệu lực, sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn nhờ việc cắt giảm hàng rào thuế quan theo lộ trình, cạnh tranh hơn so với hàng hóa từ các quốc gia khác không có FTA với EU.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, là ngành kinh tế mới nổi trong cấu trúc của kinh tế Việt Nam, XK gỗ Việt Nam giữ vị thế đứng số 1 Đông Nam Á, số 2 châu Á và thứ 5 thế giới. Trong cơ cấu các mặt hàng XK của nông nghiệp, ngành gỗ ngày càng chiếm tỷ trọng cao và trở thành nguồn đóng góp quan trọng, tăng trưởng bền vững ở mức hơn hai con số trong suốt 20 năm qua. Con số XK tăng trưởng khoảng 20% năm 2019 - mức tăng cao nhất trong tất cả các ngành nông sản - đã khẳng định vị thế ngành gỗ đang phát triển rất tốt.

Hoàn thiện các mảnh ghép

Ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, năm 2019 là tiền đề để năm 2020 ngành gỗ tiếp tục bứt phá, dự kiến tăng trưởng XK 18 - 20%.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong năm 2020, Mỹ được đánh giá là thị trường trọng điểm và dự báo tăng trưởng, xuất siêu nhiều nhất trong các thị trường XK gỗ của Việt Nam. Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản… Đối với thị trường EU, các nước Đông Âu đang nổi lên thay thế Việt Nam với sản phẩm đẹp hơn và công nghệ cao hơn. Việt Nam vẫn đang là thị trường cung cấp sản phẩm gỗ cho EU nhưng dự báo sẽ tăng trưởng chậm trong năm tới.

Ông Đỗ Xuân Lập phân tích, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành mục tiêu kim ngạch năm 2025 là 20 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, ngành cần phải làm nhiều việc. Theo đó, phát triển chuỗi giá trị bền vững trong lâm nghiệp là một trong những điều kiện “sống còn” cho ngành gỗ. Tuy nhiên, hiện nay, ngành còn thiếu động lực về thể chế chính sách và nguồn lực cần thiết nhằm hình thành, thúc đẩy các chuỗi giá trị theo hướng phát triển bền vững. “Muốn ngành gỗ phát triển, phải coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn mang lại thặng dư lớn về giá trị XK. Cần có giải pháp tăng về quy mô và nguyên liệu, nguồn nhân lực, sản xuất vật liệu phụ, quảng bá thương hiệu gỗ Việt ra thế giới; định vị ngành gỗ của Việt Nam trên bản đồ thế giới” - ông Đỗ Xuân Lập nói.

Bình luận của bạn