Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ: Tăng cường liên kết

Một trong những hạn chế đối với xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ hiện nay là năng lực tổ chức sản xuất và thương mại còn yếu. Do vậy, cần có sự phân công chuyên môn hóa cao và tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị.

Bà Trịnh Tuyết Nga - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Anh (Hà Nội) - cho biết: Thị trường EU rất khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã, giao nhận… Tuy nhiên, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vẫn có chỗ đứng khá tốt, bạn hàng EU ưu chuộng bởi chất lượng và độ tinh xảo cao. Đây vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu thủ công mỹ nghệ chính của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo bà Nga, hoạt động xuất khẩu thủ công mỹ nghệ từ đầu năm 2017 đến nay tương đối tốt. Mới đây, Công ty TNHH Hưng Anh đã xuất khẩu 1 container hàng thủ công mỹ nghệ trị giá khoảng 10.000 USD sang EU và đang tiếp tục tìm kiếm đối tác, bạn hàng mới. Tuy nhiên, điều khiến vị lãnh đạo doanh nghiệp này trăn trở là, công ty chỉ có quy mô gia đình, điều kiện về tài chính, năng lực sản xuất không thể đáp ứng được yêu cầu về khối lượng, thời gian giao hàng… với những đơn hàng quy mô lớn nên không tiếp cận và có được bạn hàng lớn.

Không chỉ Công ty TNHH Hưng Anh, đa số các đơn vị tham gia xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làng nghề, hộ kinh doanh, phần lớn vừa sản xuất vừa xuất khẩu nên tính chuyên môn hóa về thương mại không cao, thiếu kinh nghiệm khai thác các cơ hội thương mại quốc tế. Sản xuất thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam vẫn nặng tính thủ công truyền thống, có những sản phẩm phải qua nhiều công đoạn mới hoàn thiện được, nếu các đơn vị vừa sản xuất, vừa tự xuất khẩu rất khó phát huy được hiệu quả cao vì năng lực chuyên môn bị phân tán; trong khi tự thân doanh nghiệp vốn đã không phải là mạnh.

Để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, ông Tạ Minh Hùng - Chuyên gia xúc tiến thương mại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, cần có sự điều tiết và phân công trong chuỗi giá trị thủ công mỹ nghệ theo hướng chuyên môn hóa cao, từ sản xuất đến thương mại; tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và thương mại cả cấp độ doanh nghiệp lẫn vùng miền để cộng hưởng sức mạnh; phát huy tối đa năng lực sản xuất và tiêu thụ, chia sẻ lợi ích phù hợp với năng lực và vai trò... Cụ thể, ở khâu sản xuất, cần ứng dụng công nghệ, tăng tỷ lệ cơ giới hóa vào một số công đoạn chế tác, hoàn thiện sản phẩm… nhằm tăng năng suất, chất lượng, cải tiến mẫu mã, nâng cao sản lượng để có thể đáp ứng được các yêu cầu đơn hàng quy mô lớn, đòi hỏi chất lượng cao. Đối với khâu thương mại, cần xây dựng được một số doanh nghiệp đủ mạnh, có năng lực tài chính, khả năng mở thị trường và tổ chức tiêu thụ sản phẩm tốt, làm đầu mối chuyên xuất khẩu, giải quyết đầu ra cho khâu sản xuất..

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của nhà nước cũng cần có sự lựa chọn những đơn vị thực sự có năng lực để tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại, các hội chợ thương mại quốc tế… để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, bạn hàng, mở thị trường. Khi có đơn hàng, cần phân bổ cho các đơn vị có năng lực sản xuất thích hợp với từng chủng loại sản phẩm, mặt hàng để thực hiện.

Bình luận của bạn