Xuất khẩu nông sản hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng 3,05%
Theo số liệu công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này tổng giá trị xuất khẩu đã đạt 13,7 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2016.
Tháng 6, thời điểm giữa năm là lúc để có thể nhìn lại và đặt ra các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Một sự quyết tâm nhìn thấy rõ từ Chính phủ về việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, khi một Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nông nghiệp tiếp tục là lĩnh vực được nền kinh tế kỳ vọng. Với mục tiêu đạt mức tăng trưởng 3,05% trong năm nay liệu có phải là một mục tiêu khả thi và ngành nông nghiệp sẽ có giải pháp gì cho vấn đề này?
Theo số liệu công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này tổng giá trị xuất khẩu đã đạt 13,7 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng 5 tháng đầu năm cao nhất trong mấy năm gần đây.
Xuất khẩu gạo ước đạt 2,3 triệu tấn và 1 tỷ USD, tăng 1,6% về khối lượng và 1,2% về giá trị. Xuất khẩu cà phê ước đạt 693.000 tấn và 1,57 tỷ USD, giảm gần 16% về khối lượng nhưng tăng 11% về giá trị. Xuất khẩu cao su đạt 353.000 tấn và 708 triệu USD, giảm 1,5% về khối lượng nhưng tăng 61,5% về giá trị. Rau quả trong 5 tháng đầu năm ước đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm gần 84% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. Đây cũng là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam.
Riêng đối với lâm nghiệp, các thị trường nhập khẩu cũng tăng mạnh như Trung Quốc tăng (35,6%), Hoa Kỳ (16%), Hàn Quốc (14,7%), Đức (11%).