Xuất khẩu sang Brazil phục hồi mạnh
Ngày 19-6, Bộ Công thương dẫn số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil trong sáu tháng đầu năm 2017 đạt 1,065 tỷ USD, tăng 46% so với nửa đầu năm 2016.
Nhờ có sự phục hồi của các hoạt động ngoại thương sau thời gian dài suy thoái kinh tế, trao đổi kim ngạch hai chiều Việt Nam – Brazil trong sáu tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 1.730 triệu USD, tăng khoảng 16% so với sáu tháng đầu năm 2016. Trong đó, xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam có thể đạt 665 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu của Brazil từ Việt Nam đạt 1.065 triệu USD, tăng 46% so với nửa đầu năm 2016.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Brazil, xuất khẩu các sản phẩm chính của Việt Nam sang Brazil trong 5 tháng đầu năm 2017 đều tăng mạnh trở lại, như: điện thoại và thiết bị điện tử tăng hơn 57%, thủy sản tăng 43%, cao su sản phẩm cao su tăng 73%, sợi tổng hợp tăng hơn 300%, sản phẩm dệt may, sản phẩm sắt thép, nhựa, và thực phẩm đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao.
Nhiều thương nhân Brazil đang tăng cường tìm kiếm nguồn hàng đáp ứng nhu cầu trong nước dần hồi phục sau giai đoạn suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này cũng sẽ gặp phải những biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật mà Brazil ngày càng có xu hướng áp dụng nhiều hơn nhằm bảo hộ sản xuất nội địa. Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Brazil đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhập khẩu trong việc xử lý các khiếu nại của các Hiệp hội ngành hàng có liên quan tại Brazil, phòng tránh khả năng bị kiện phòng vệ thương mại.
Trước đó, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2016 cho biết, các thị trường trọng điểm của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh đều có tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại khá cao, trong đó có bốn thị trường có quy mô trao đổi thương mại năm 2016 đạt hơn một tỷ USD là Brazil, Argentina, Mexico và Chile. Trong đó, Brazil là một trong những thị trường quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, với quy mô lớn và còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, do tình hình chính trị trong nước của Brazil hiện nay bất ổn, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh và ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu nên trao đổi thương mại song phương với Brazil giảm.