Xuất khẩu thủy sản đạt gần 2 tỷ USD
Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hoa Kỳ (15%), ASEAN (gần 19%), Trung Quốc (33%)… thậm chí thị trường Brazil còn có mức tăng trưởng đột biến, trên 500%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm nay đạt 1,97 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hoa Kỳ (15%), ASEAN (gần 19%), Trung Quốc (33%)… thậm chí thị trường Brazil còn có mức tăng trưởng đột biến, trên 500%.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, dù đạt được các kết quả khả quan nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang phải gồng mình tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn với sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá, rào cản thương mại…
Về mặt hàng tôm, tính đến hết tháng 3/2016, giá trị xuất khẩu tôm đạt 619,2 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Sở dĩ, quý I/2016, giá trị xuất khẩu tôm khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước là do sản lượng tôm tại một số nước có nguồn cung lớn như: Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan giảm do ảnh hưởng của biến đối khí hậu, thời tiết xấu, dịch bệnh, nhờ đó tạo cơ hội cho sản xuất tôm Việt Nam.
So với các nước đối thủ trong khu vực như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, giá tôm Việt Nam (đặc biệt là tôm sú) đang rất cạnh canh trên thế giới.
Kết quả thuế chống bán phá giá POR9 (công bố tháng 9/2015) thấp hơn nhiều do với POR8 cùng với nhu cầu nhập khẩu tại một số thị trường lớn như: Mỹ, EU cũng tăng sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2015 nên xuất khẩu tôm những tháng đầu năm nay tăng trưởng khả quan hơn. Dự kiến, giá tôm thế giới sẽ tăng trong các quý tới.
Tính đến hết tháng 3/2016, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 365,4 triệu USD, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Hongkong (Trung Quốc) và Brazil là hai thị trường sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu cá tra.
Tại những thị trường lớn, giá trị xuất khẩu cá tra vẫn tiếp tục giảm sút: EU giảm 6,8%; ASEAN giảm 0,4%... Xuất khẩu cá tra sang Mỹ có thể sẽ chững hoặc giảm trong các quý tới, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường này cũng rút dần do thuế chống bán phá giá cao. Nhu cầu nhập của một số thị trường tiềm năng như: Mexico; Colombia, ASEAN tăng giảm thất thường.
Do xuất khẩu sang hai thị trường lớn nhất là Mỹ và EU (chiếm 61,5% tổng giá trị) giảm lần lượt 4,4% và 14,3% nên giá trị xuất khẩu cá ngừ trong quý I chỉ đạt 98,5 triệu USD, giảm 5,5%. Cho đến nay, tình hình xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn chưa nhiều khả quan.
Từ vị trí thứ 3, nay Nhật Bản đã tụt xuống vị trí thứ 5 trong các thị trường lớn nhất nhập khẩu cá ngừ Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đây quả là điều đáng tiếc cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vì thị trường Nhật Bản trong nhiều năm trước luôn là bạn hàng truyền thống lớn, giá cao và ổn định.
Tuy thiếu nguyên liệu trong nước, cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm hải sản khác trên thị trường khiến giá trị xuất khẩu hải sản khác trong quý I/2016 dù tăng nhưng không lạc quan. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản khác tăng 19,5%./.