Xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch Lai Châu lần thứ I

Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu lần thứ nhất năm 2016 và Tuần văn hóa du lịch Lai Châu năm 2016 với sự tham vấn, đồng tổ chức của BIDV được đánh giá là chuỗi sự kiện kinh tế - đầu tư - văn hóa lớn nhất từ trước đến nay của Lai Châu, thể hiện quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy của chính quyền địa phương với quyết tâm đưa Lai Châu trở thành điểm dừng chân lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, kinh tế - xã hội từng bước vượt qua khó khăn, đổi mới và phát triển.

Tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của Lai Châu

Mặc dù còn nhiều khó khăn, bất lợi, nhưng Lai Châu vẫn có nhiều tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương:

Một là, Lai Châu có quỹ đất lớn, thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, quy mô lớn. Phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh (907 nghìn ha) là đất đỏ vàng nhạt, phù hợp phát triển cây công nghiệp lâu năm (chủ yếu là chè) và cây dược liệu quý hiếm. Trong đó, đất nông nghiệp đã sử dụng khoảng 64.300 ha, chiếm 7,7% diện tích toàn tỉnh; đất lâm nghiệp đang có rừng 284 nghìn ha, chiếm 31,1%; đất trống, đồi núi trọc có khả năng sử dụng còn rất lớn chiếm tới 58% với khoảng 525.900 ha, chiếm 58%; trong đó đất bằng chưa sử dụng là 1.800 ha và đất đồi núi chưa sử dụng có khoảng 524.100 ha.

Hai là, Lai Châu có nguồn tài nguyên phong phú, thuận lợi để phát triển công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng. Toàn tỉnh có 120 điểm khoáng sản với nhiều chủng loại khác nhau như đất hiếm (trữ lượng 19,1 triệu tấn, lớn nhất Việt Nam và đứng thứ ba trên thế giới, tập trung tại huyện Tam Đường, Phong Thổ); đồng, vàng, chì, kẽm (trữ lượng sáu đến tám nghìn tấn, tập trung ở Sin Cai, Bản Lang, Tam Đường). Ngoài ra, tỉnh Lai Châu còn có nhiều mỏ đá vôi xi-măng, sét xi-măng (trữ lượng hàng triệu tấn, tập trung tại huyện Tam Đường và Sìn Hồ), rất phù hợp để khai thác công nghiệp quy mô lớn. Cùng với đó, Lai Châu còn có mật độ sông suối lớn, từ 5,5 đến 6 km/km2, trong đó có một số con sông lớn như: sông Đà, Sông Nậm Mu, Nậm Na… có độ dốc cao, dòng chảy xiết là một nguồn thủy năng lớn để phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Tỉnh đang triển khai 53 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lên tới 900 MW.

Ba là, Lai Châu có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch: Lai Châu nằm trong số 10 “nóc nhà” Đông - Nam Á và vùng biên giới Việt - Trung như đỉnh núi Pu La Teng, núi Sừng Trâu, Khang Su Văn; đường biên giới dài 265 km với các khu kinh tế dịch vụ cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc - thị trường có khả năng khai thác du lịch lớn; khí hậu điển hình của vùng núi đá cao, mát mẻ quanh năm, không bị ảnh hưởng bởi gió Lào khô; hệ thống hang động hoang sơ Pu Sam Cáp, Tiên Sơn, Tả Phìn, hang Thẩm Tạo, hang Dơi; nền văn hóa đa dạng với 20 dân tộc anh em và nhiều lễ hội đặc sắc, truyền thống của các dân tộc như: Lễ hội Gầu tào, Tú Tỉ, Nàng Han, Xòe Chiêng; nhiều điểm du lịch trong danh sách du lịch quốc gia như: đèo Hoàng Liên Sơn, cao nguyên Sìn Hồ, động Tiên Sơn, khu dịch vụ du lịch thương mại cửa khẩu Ma Lù Thàng, khu di tích bia Lê Thái Tổ, du lịch lòng hồ Mường Lay, khu du lịch sinh thái Pu Sam Cáp…

Bốn là, Lai Châu có nguồn lao động trẻ, dồi dào, và chính sách đào đạo nghề ngày càng được chú trọng. Mặc dù có số dân không đông với tỷ lệ dân tộc ít người cao, nhưng đây cũng là một lợi thế của tỉnh Lai Châu, với gần 60% số dân trẻ và trong độ tuổi lao động vàng (khoảng 251 nghìn người). Đặc biệt tỷ lệ lao động qua đào tạo không ngừng gia tăng theo thời gian, từ 30% năm 2010 lên 40,1% năm 2015, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 21% năm 2010 lên 29,5% năm 2015. Sau 5 năm thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, tổng số lao động là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ học nghề là 30.500 người, trong đó 4 nghìn người thuộc hộ nghèo, bình quân mỗi năm đào tạo hơn 5.500 lao động nông thôn. Đây là lợi thế của Lai Châu, giải quyết bài toán lao động tay nghề tại chỗ, đồng thời nâng cao trình độ, tri thức và phổ cập văn hóa.

Năm là, Lai Châu có đội ngũ doanh nghiệp DN với quy mô thuộc mức khá so với vùng Tây Bắc. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 1.063 DN, bình quân 24,6 DN trên một vạn dân, đứng thứ 3 vùng Tây Bắc (sau Lào Cai và Hòa Bình với 52,3 và 30,6 DN trên một vạn dân). Trong đó, số DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 72,9% (755 DN) và thương mại - dịch vụ chiếm 26,2% (279 DN), cho thấy Lai Châu có tiềm năng rất lớn để thu hút các DN trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, nhất là các công trình thủy điện vừa và nhỏ; Sáu là, sự đoàn kết của các dân tộc tạo nên ưu thế phát triển kinh tế: với 86% số dân (371.500 người) là đồng bào dân tộc thiểu số, Lai Châu có số lượng các dân tộc anh em lớn thứ hai cả nước sau Đác Lắc, trong đó dân tộc Thái chiếm tỷ lệ cao nhất 34%, dân tộc Mông chiếm 22,30% và dân tộc Kinh chiếm 13,94% số dân toàn tỉnh, đặc biệt có ba trong bốn dân tộc ít người chỉ có ở Lai Châu (La Hủ, Mảng, Cống). Trong những năm qua, Lai Châu đã thực hiện tốt chính sách dân tộc như chương trình hỗ trợ di dân, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ tín dụng, y tế, giáo dục, an sinh xã hội… góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc giảm từ 5 đến 7%/năm, nhờ đó nâng cao tinh thần đoàn kết của các dân tộc.

Đề xuất, kiến nghị

Về nhận thức: Tỉnh cần xác định phát triển kinh tế, gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, phát huy nội lực đồng thời với đẩy mạnh kêu gọi hỗ trợ của T.Ư, thu hút đầu tư đối với ngành trọng tâm chiến lược.

Về mục tiêu: tỉnh cần xác định các mục tiêu phát triển hợp lý, bền vững, cụ thể: Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt hơn 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 40 triệu đồng/người; tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân 3 đến 4%/năm; tạo việc làm mới cho hơn 7 nghìn lao động/năm. Đến năm 2020, tỉnh Lai Châu đạt trình độ phát triển trung bình của khu vực miền núi phía bắc.

Về trọng tâm phát triển đột phá: Tỉnh cần tập trung triển khai quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp; thương mại - dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể: quy hoạch nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất tập trung công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch phát triển và kết nối du lịch Lai Châu với các địa phương trong khu vực và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); quy hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Tỉnh cần triển khai quyết liệt những nhiệm vụ sau: xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên triển khai năm dự án hạ tầng trọng điểm của tỉnh là: kết nối TP Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai (tổng mức đầu tư 300 triệu USD); đường liên vùng Séo Lèng - Nậm Tăm - Tân Uyên (1.060 tỷ đồng); đường liên vùng Mường Nhé - Tà Tổng - Nậm Chà - Nậm Nhùn (1.400 tỷ đồng); đường nối quốc lộ 279 đi Khu trung tâm Tà Mít (1.000 tỷ đồng); Hồ Nậm Thi (600 tỷ đồng); các dự án nhằm giải quyết bài toán giao thương nội vùng, giảm cước phí giao thông vận chuyển; bảo đảm kết nối giao thông đến các điểm khai thác khoáng sản, tài nguyên. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu đối với khoáng sản, nông, lâm sản (chè chất lượng cao, dược liệu, cá hồi, cá tầm, tôm càng xanh...). Phát triển thương mại và dịch vụ biên mậu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), trong đó ưu tiên phát triển du lịch để trở thành ngành có đóng góp quan trọng trong kinh tế tỉnh trong tương lai. Tập trung chỉ đạo đầu tư hệ thống thủy điện vừa và nhỏ giai đoạn 2016 - 2020, khai thác 900 MW với tổng số 53 dự án. Hiện nay tỉnh mới cấp phép chính thức 26 dự án với 600 MW và triển khai được 87 MW.

Về nhiệm vụ, giải pháp: Tỉnh cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt lưu ý tính minh bạch công khai, công bằng trong đầu tư năng lượng khoáng sản (có DN đã được cấp gần 500 MW, tuy nhiên tiến độ triển khai rất chậm, gây tâm lý, dư luận không tốt trong nhân dân và DN), đồng thời tăng cường đối thoại giữa chính quyền và DN, xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và thành phố; phấn đấu đến năm 2020, Lai Châu nằm trong nhóm địa phương có năng lực cạnh tranh “khá” so với cả nước. Cân đối nguồn lực của tỉnh cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, với lượng vốn khoảng 11 nghìn tỷ đồng. Tăng cường thu hút đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông và nông nghiệp: nghiên cứu phát hành trái phiếu địa phương, trái phiếu công trình gắn với áp dụng hình thức hợp tác đối tác công - tư (PPP), BOT, BT đối với các dự án hạ tầng trọng điểm. Đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương thông qua hiệp hội xi-măng, sắt thép, tích cực vận động các DN trong ngành mua trái phiếu hàng hóa (xi-măng, sắt thép) với giá trị dự tính một triệu tấn xi-măng và 100 nghìn tấn sắt thép, tương đương tổng trị giá khoảng 3.500 tỷ đồng (trong đó: một triệu tấn xi-măng tương đương 1.900 tỷ đồng, 100 nghìn tấn sắt thép tương đương 1.600 tỷ đồng tính theo thời giá hiện tại) với kỳ hạn 5 năm, mức lãi suất 7 - 8%/năm và theo hình thức trả sau để hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, triển khai các dự án đường liên bản, liên xã, liên huyện. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện việc tuyển chọn cán bộ tham gia các chương trình đào tạo quốc gia về nâng cao trình độ, hình thành chuyên gia, công nhân bậc cao trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông, lâm, thủy sản. Chủ động liên kết phát triển với các địa phương trong khu vực cũng như tỉnh Vân Nam để tạo ra các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính liên kết (thí dụ như du lịch) bảo đảm phát huy lợi thế đặc trưng của Lai Châu cũng như của toàn khu vực miền núi phía bắc.

Vai trò cam kết của BIDV

Với tư cách là đơn vị tổ chức các sự kiện thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Nghệ An, Quảng Bình, Kiên Giang, Bình Định, v.v. BIDV dành cho Lai Châu các nhóm hỗ trợ về tư vấn quy hoạch, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. BIDV cam kết cung ứng gói hỗ trợ không hoàn lại trị giá 10 tỷ đồng để triển khai xây dựng các quy hoạch sau: quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch phát triển du lịch và kết nối không gian du lịch Tây Bắc; quy hoạch và đào tạo lao động nông thôn, trong đó thông qua ngân sách tỉnh để hỗ trợ 10 đến 20 suất học bổng toàn phần cho con em Lai Châu tham gia các chương trình đào tạo về nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi tại các trường đại học, cao đẳng có uy tín trên cả nước.

Về tài trợ vốn tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: BIDV cam kết cung ứng gói tín dụng ưu đãi trị giá 100 tỷ đồng với lãi suất bằng 80% lãi suất của Ngân hàng chính sách xã hội cho các dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả theo cơ chế thị trường (trồng rau, hoa, thu nhập 200 - 250 triệu đồng/năm; trồng cây ăn quả, thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm; nuôi ong, thu nhập 500 triệu đồng/năm) và các dự án, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường tại các vùng khó khăn. BIDV phấn đấu duy trì mức tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2016 - 2020 ở mức 25 đến 30%/năm, trong đó ba năm 2016 - 2018 sẽ dành khoảng năm đến sáu nghìn tỷ đồng với kỳ hạn linh hoạt, lãi suất ưu đãi cho các chương trình/dự án theo nguyên tắc có hoàn trả (nhất là dự án của các DN Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), trong đó đặc biệt ưu tiên ba lĩnh vực có tiềm năng: nông nghiệp công nghệ cao, du lịch; và công nghiệp chế biến.

Về công tác an sinh xã hội: Giai đoạn 2016 - 2020, BIDV tiếp tục cam kết tài trợ 70 tỷ đồng (riêng giai đoạn 2016 - 2018 sẽ hỗ trợ 50 tỷ đồng) đầu tư xây dựng trường bán trú dân tộc cho huyện mới chia tách Nậm Nhùn.

Đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, với tư cách là một định chế tài chính vững mạnh, BIDV sẽ nỗ lực hết mình vì một Lai Châu phát triển, một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bình luận của bạn