Trồng vải thiều theo quy trình Vietgap nhằm nâng cao chất lượng

Dự án chăm bón cây vải theo quy trình Vietgap nhằm nâng cao chất lượng quả vải thiều của Đông Triều hiện đang được thực hiện một cách bài bản và đồng bộ

Khoảng 15 năm gần đây, do giá vải quả trên thị trường xuống thấp, người nông dân thu hoạch không đủ bù chi phí đầu tư, nên đã ồ ạt chặt phá cây vải để trồng các loại cây khác. Báo Quảng Ninh dẫn nguồn thống kê của phòng chức năng thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết, đến thời điểm này toàn thị xã chỉ còn lại khoảng trên 1.200ha vải.

Xác định cây vải vẫn là loại cây ăn quả ưu thế của Đông Triều, người dân lại sẵn có kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây vải, chi phí đầu tư chăm sóc cây mỗi năm thấp nên TX Đông Triều đã quyết định triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng cây vải và từng bước đưa quả vải thành loại sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị cao cho người dân. Tuy nhiên, cái khó của Đông Triều là hầu hết diện tích cây vải trên địa bàn đều là cây già, có tuổi đời trên dưới 20 năm, điều kiện chăm sóc không tốt, nên dẫn tới cây cằn cỗi, sản lượng và chất lượng quả vải không cao. Để khắc phục điều này, từ tháng 9-2015, TX Đông Triều đã phối hợp với các sở, ngành chuyên môn của tỉnh, Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, Viện Bảo vệ thực vật Trung ương thí điểm triển khai dự án chăm bón gần 3.600 cây vải với diện tích gần 21ha tại xã Bình Khê theo quy trình Vietgap. Theo đó, cây sẽ được tăng cường dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh, kích thích phát triển… theo quy trình chặt chẽ, trong đó giảm tối đa các loại phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật tác động lên cây.

Trong những tháng đầu tiên, toàn bộ diện tích cây vải trong dự án đều đã được cắt bỏ cành già cỗi, làm rụng lá, hãm lộc; khoanh vỏ, tạo điều kiện cây nảy các mầm mới; diệt nấm các loại và bổ sung chất kẽm, kích thích cây ra hoa… Đến thời điểm tháng 2, tất cả các cây vải đều phát triển mầm, cành mới trên thân, ra hoa trên cành, tán với tỷ lệ đạt 80% và phân bố hoa đều. Mặc dù mới ở giai đoạn đầu, song theo các cán bộ kỹ thuật của dự án, với tình hình trên cho thấy cây đang tiến triển tốt, đúng mục tiêu đề ra, trong đó đặc biệt là cây vải sẽ cho quả từ các mầm mới mọc từ thân ra. Tiếp theo bước này, cây vải sẽ được tác động để hoa thụ phấn, đậu quả với tỷ lệ cao nhất; được tăng cường chất dinh dưỡng để phục vụ quá trình cây tạo quả, để quả vải được tăng lượng nước, đường, tạo cùi dầy… và cuối cùng là cho ra sản phẩm quả vải có chất lượng tốt và mẫu mã đẹp. TX Đông Triều cũng triển khai phân tích hàm lượng các chất dinh dưỡng trong quả vải để làm cơ sở phục vụ các khâu đánh giá về tiêu chí chất lượng quả vải sau này. Trong khuôn khổ dự án, song song với việc chăm bón cây vải, TX Đông Triều cũng đồng thời triển khai các bước xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cây vải thiều Đông Triều và tìm hướng tiêu thụ bền vững cho loại sản phẩm này. Trong đó Đông Triều hướng tới các đối tác đầu tư vào nông nghiệp của thị xã, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản đã từng ký tắt với Đông Triều (vào tháng 6-2015) về bao tiêu sản phẩm quả vải thiều trên địa bàn.

Có thể thấy, dự án chăm bón cây vải theo quy trình Vietgap nhằm nâng cao chất lượng quả vải thiều của TX Đông Triều hiện đang được thực hiện một cách bài bản và đồng bộ. Đến thời điểm này, dự án đang tiến triển tốt, bước đầu cho kết quả đúng theo mục tiêu, lộ trình đề ra. Điều này sẽ là tín hiệu vui cho không chỉ diện tích cây vải trong dự án, mà còn toàn vùng vải Đông Triều với trên 1.200ha. Bởi theo ông Hà Hải Dương, Chủ tịch UBND TX Đông Triều, ngay khi dự án này thành công, TX Đông Triều sẽ khẩn trương nhân rộng để nhanh chóng nâng cao chất lượng toàn bộ diện tích các vùng trồng vải thiều trên địa bàn, biến quả vải thiều trở thành sản phẩm hàng hoá ưu thế và mang lại nguồn thu cao cho bà con nông dân.

Bình luận của bạn