Vải thiều Thanh Hà: Từ đặc sản tới lễ hội
Lễ hội tôn vinh đặc sản
Từ trung tuần tháng 5, khi nắng hè trở nên gay gắt cũng là lúc các số hộ dân ở huyện Thanh Hà thu hoạch vải sớm (còn goại là vải u). Vải U đầu mùa quả to, chất lượng tốt được trồng theo quy trình Viet GAP và Global GAP phục vụ xuất khẩu, được thu hoạch đến đâu bán hết tới đó nên cả người trồng và người mua đều rất phấn khởi.
Những năm qua, cây vải luôn có một vị trí quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương. Diện tích trồng vải của tỉnh có khoảng 10.500 ha với sản lượng 50.000 tấn. Trong đó, trà vải sớm gồm các giống vải U có sản lượng khoảng 20.000 tấn, thời gian thu hoạch từ 15/5 đến đầu tháng 6. Vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 5/6 đến đầu tháng 7, sản lượng đạt khoảng 35.000.
Tới nay, tỉnh Hải Dương đã có 20 vùng trồng vải được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGap là 334 ha, sản lượng khoảng 3.500 tấn (Thanh Hà có 14 vùng; Chí Linh có 6 vùng được cấp Giấy chứng nhận). Bên cạnh đó, huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh có 13 vùng trồng vải được Cục Bảo vệ thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích 131.68 ha, sản lượng khoảng 1.000 tấn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Úc và EU. Trong đó, huyện Thanh Hà có 9 vùng với diện tích 20,24 ha vải sớm, 72,44 ha vải thiều; Chí Linh có 4 vùng với diện tích 39 ha trồng vải thiều. Ngoài ra, toàn tỉnh Hải Dương còn có khoảng 8.000 ha vải được sản xuất theo hướng GAP (nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP) với sản lượng khoảng 45.000 tấn.
Trong những năm qua, vải thiều Thanh Hà đạt được nhiều giải thưởng giá trị. Năm 2007 được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý”. Năm 2012, vải thiều Thanh Hà đạt “Top 50 sản phảm uy tín chất lượng” do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Năm 2013 và 2014 đạt “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” và được bình chọn là “Tinh hoa đặc sản 03 miền”. Năm 2015 được vinh danh Top đầu với 02 giải thưởng “Thương hiệu vàng” cùng “Logo và Slogan ấn tượng”. Năm 2016, vải thiều Thanh Hà được Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận “Thương hiệu Thực phẩm an toàn tin dùng”. Năm 2018 vải Thanh Hà đã được dán tem QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu, bán tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài nước, đồng thời vươn ra các thị trường mới như Nhật Bản, Anh và Canada.
Doanh nghiệp cấp đông vải sớm để chuẩn bị xuất khẩu
Để quảng bá và gia tăng giá trị sản phẩm vải thiều Thanh Hà, ngày 10/6/2018, lần đầu tiên tỉnh Hải Dương tổ chức “Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương năm 2018” tại Quảng trường Thanh Bình, huyện Thanh Hà. Tiếp nối sự kiện này, từ ngày 12/6 huyện Thanh Hà sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN & PTNN) và Tập đoàn An Việt tổ chức “Tuần lễ vải thiều” tại thành phố Hà Nội. Đây là dịp để đặc sản vải thiều được quảng bá rộng rãi tới người dân thủ đô, các tỉnh thành phố lớn cũng như du khách trong và ngoài nước, đưa vải thiều trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Thanh Hà.
Lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà hướng dẫn các hộ trồng vải thiều
Lễ hội cũng là dịp để tỉnh Hải Dương tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đến với khách hàng trong và ngoài nước; tạo điểm nhấn nâng tầm đặc sản Việt Nam lên một tầm cao mới. Đồng thời Lễ hội cũng mang lại tiềm năng, lợi thế phát triển cho địa phương bằng những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, an toàn gắn với du lịch sinh thái; từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho cây vải thiều chất lượng cao và các sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu vải thiều Thanh Hà; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh vải thiều, hàng nông sản, thực phẩm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cùng nhau phát triển.
Tham dự Lễ hội, đại biểu và du khách có dịp tham quan cây vải tổ đã được ghi vào sách kỷ lục Guiness, trải nghiệm hái vải và giao lưu với người trồng những cây vải thiều ngon nhất của cả nước, tham quan vùng sản xuất vải thiều tiêu chuẩn Global Gap xuất khẩu sang Mỹ, Úc, EU và các thị trường khó tính trên thế giới.
Gắn với du lịch sinh thái
Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương năm 2018 không chỉ làm gia tăng giá trị cho quả vải đặc sản mà còn gắn với phát triển du lịch sinh thái theo Quyết định số 3687/QĐ-UBND ngày 12/12/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch sinh thái sông Hương - Thanh Hà do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Từ đây liên kết với các tour, tuyến du lịch tâm linh nổi tiếng như Côn Sơn, Kiếp Bạc, An Phụ, Kính Chủ và du lịch sinh thái Đảo cò Chi Lăng Nam, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Hải Dương chủ trì cuộc họp Ban tổ chức Lễ hội Vải thiều Thành Hà - Hải Dương 2018
Qua đó, Thanh Hà có thể phát huy tối đa tiềm năng sẵn có để thu hút du khách đến thưởng thức và thăm quan vùng đất trù phú, nơi đã tạo ra những đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước như vải, ổi, rươi, cáy, mật ong, bưởi đào... và nhiều loại cây ăn trái khác. Rong thuyền thưởng ngoạn vẻ đẹp sinh thái sông Hương, du khách sẽ được ngắm nhìn dòng sông uốn lượn dọc theo những vườn trái cây trĩu quả, tham quan các điểm di tích lịch sử văn hóa, tự tay chăm sóc và thu hái nhiều loại trái cây ngon nức tiếng đã làm nên một quê hương Thanh Hà gần gũi, giản dị và mến khách. Không cần đi đâu xa, du khách có thể trải nghiệm thực tế du lịch sinh thái miệt vườn vùng sông nước Bắc Bộ kết hợp với nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, tâm linh ngay giữa trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng.
Lễ hội vải thiều Thanh Hà chỉ 1 ngày nhưng âm hưởng sẽ tiếp tục vang xa. Mùa thu hoạch vải từ trung tuần tháng 5 đến giữa tháng 7 sẽ là dịp để du khách bốn phương đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức những đặc sản ngon nhất của vùng đất đầy hoa thơm, trái ngọt gắn liền với cây vải thiều như đặc sản rươi, cáy, mật ong hoa vải, ổi bo, bưởi đào… và được chào đón bởi tấm lòng mến khách của nhân dân địa phương đầy nồng ấm tình người./.
PS Vương Hồng Hưng