Vải thiều VietGAP, GlobalGAP sai quả, báo hiệu được mùa
Thời tiết bất lợi khiến nhiều vườn vải thiều ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) ra lộc mà không hoa. Thế nhưng diện tích vải trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP lại sai quả, báo hiệu được mùa.
Những ngày này, chúng tôi về vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu. Tại thôn Chão Mới, xã Giáp Sơn, những chùm quả to bằng ngón tay rải đều khắp tán cây lúp xúp, khác hẳn vườn vải thông thường.
Dẫn khách thăm vườn, ông Lưu Văn Tư, người dân trong thôn chia sẻ, năm nay thời tiết bất lợi cho vải thiều, thời điểm phân hóa mầm hoa trời mưa nhiều, sau đó lại nắng bừng nên cây dễ phát lộc. Chủ vườn căn cứ vào đặc điểm của từng cây, khi bộ lá xanh đen, khỏe mạnh tiến hành khoanh vỏ, bón phân cân đối. Nhờ vậy, vườn vải cho quả tương đương vụ trước.
Chị Vi Thị Minh, cán bộ khuyến nông xã Giáp Sơn cho biết: “Nhiều vườn vải trong xã ít hoa, không đậu quả, song 50ha vải thiều GlobalGAP lại ra quả đạt tỷ lệ khoảng 80%, cao hơn 30% so với vải thông thường. Có được kết quả này là do các hộ tham gia sản xuất đều được tập huấn, nắm rõ quy trình kỹ thuật và áp dụng thành thục trên cây trồng”.
Dọc theo con đường bê tông sạch sẽ tại vùng vải xuất khẩu xã Hồng Giang là những vườn vải chi chít quả. Theo ông Bùi Cao Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Giang thì ngay sau khi thu hoạch vụ trước, bà con đã tập trung tỉa cành, bón phân để cây hồi phục. Sau đó khoanh cành, giúp cây phân hóa mầm hoa kết hợp triệt lộc đông. Vì vậy tỷ lệ vải đậu quả toàn xã đạt hơn 80%, cao hơn bình quân chung của huyện 20%.
Được biết, những năm trước giá vải VietGAP bình quân từ 26 - 30 nghìn đồng/kg, cao gấp 1,5 lần so với vải thông thường. Đặc biệt, năm 2015, lần đầu tiên loại vải này xâm nhập vào thị trường khó tính là Mỹ, Úc, Pháp, Anh, Nhật Bản đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích.
Theo tổng hợp, năm nay toàn huyện có hơn 10 nghìn ha vải VietGAP, GlobalGAP, tăng hơn 1 nghìn ha so với năm ngoái. Vùng vải xuất khẩu sản xuất theo quy trình tiên tiến cũng là địa chỉ được nhiều thương nhân trong nước lựa chọn tìm đến.
Hiện nay, dù vải quả còn non nhưng đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu như Thanh Bình Jeune (Pháp), Teanda, Rồng Đỏ, Ánh Dương Sao (TP Hồ Chí Minh) đến thăm vùng sản xuất vải thiều GlobalGAP, VietGAP của huyện, đặt vấn đề thu mua sản phẩm. Điển hình Cty Teanda đang làm các thủ tục bao tiêu sản phẩm tại vùng sản xuất vải GlobalGAP được cấp chứng nhận bởi tổ chức nước ngoài với giá thỏa thuận cao hơn so với thị trường ở cùng thời điểm 20%.
HTX Hoa quả Kim Biên (Lục Ngạn) liên kết với 20 hộ sản xuất vải VietGAP thôn Trại Mới, xã Quý Sơn để đưa sản phẩm vào siêu thị tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Khoảng một tuần nữa, đối tác Trung Quốc sẽ sang khảo sát vườn để ký kết hợp đồng cụ thể.
Đi đầu sản xuất theo mô hình này là hộ anh Đỗ Văn Thắng. 4 năm nay, anh sử dụng thuốc thảo mộc Anisaf SH-01 để phòng trừ sâu bệnh cho vải và vận động các hộ trong thôn làm theo. Cách làm này không những giúp vỏ cây giảm nốt sần, trẻ hóa, tăng sức đề kháng mà còn giúp anh bảo vệ sức khỏe vì không phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong quá trình chăm sóc. Hơn nữa, vải bảo đảm an toàn vệ sinh đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Năm ngoái, anh thu hơn 6 tấn quả thì hơn 30% được khách từ nhiều nơi trong tỉnh đặt mua làm quà biếu và sử dụng. Phần còn lại được Công ty Rồng Đỏ bao tiêu tại vườn với giá bình quân 28 nghìn đồng/kg. Năm nay, Cty TNHH Phong Sơn Tiệm (Hà Nội) cũng liên kết với người dân các xã Tân Sơn, Tân Mộc, Kiên Lao sản xuất vải VietGAP với quy mô hơn 30ha để xuất khẩu sang Úc. Chỉ còn nửa tháng nữa là vải VietGAP, GlobalGAP bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 45 nghìn tấn.
Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn nhận định, năm nay vải sản xuất theo quy trình tiên tiến tiếp tục được giá, tiêu thụ thuận lợi sau nhiều năm khẳng định ưu thế hơn hẳn so với vải chăm sóc theo phương pháp truyền thống.
Tuy nhiên, từ tháng 5 trở đi xuất hiện một số đợt nắng nóng, nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng và quá trình thu hoạch, bảo quản vải. Để bảo đảm năng suất, chất lượng vải, người dân thường xuyên thăm vườn, thực hiện biện pháp chăm sóc kịp thời; tưới nước khi thời tiết nắng hạn, bón bổ sung phân kali để tăng cường mẫu mã chất lượng quả.
Bổ sung các nguyên tố vi lượng bằng cách bón qua lá. Thời điểm quả vải chuyển hóa đường cần phun thuốc trừ sâu bệnh vào sáng sớm hoặc chiều mát nhằm tránh xảy ra hiện tượng cháy quả sau phun. Khi thời tiết nắng hạn kéo dài cần tưới nhẹ, tưới đều xung quanh gốc dưới tán vải, tránh phun lên trên tán và không tưới đẫm ngay bởi làm như vậy dễ gây hiện tượng sốc nước, nứt quả và lây lan mầm bệnh.