"Tăng lực" cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Với khoảng 535.000 doanh nghiệp đang hoạt động, Việt Nam có lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đông đảo, nhưng theo đánh giá đội ngũ này chưa thực sự mạnh. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chính sách ưu tiên phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chung chung.
Hỗ trợ đúng hướng, kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp lớn mạnh
Hoạt động chưa hiệu quả
Ông Đặng Huy Đông cho biết, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã không còn phải thông qua các tập đoàn đa quốc gia, mà có những sản phẩm giành được thế chủ động. Chẳng hạn, một doanh nghiệp Việt Nam đã chính thức ký được hợp đồng cung cấp bột tinh chất làm từ đất hiếm, độ tinh khiết 99,99% cho Samsung để mài màn hình phẳng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, có sản phẩm trong nước không bán được nhưng thị trường Malaysia lại ưa chuộng; Sáng chế robot tra hạt gần 2 năm nay chưa được cấp bằng sáng chế nhưng phía Israel lại trả giá 5.000 USD… “Thị trường trong nước không thể bỏ qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần xem có thể làm và cung cấp đến đâu cho thị trường nội địa, không nên chỉ tập trung vào xuất khẩu” - ông Đặng Huy Đông nói.
Theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH- ĐT), tính đến hết năm 2015, số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trên cả nước là 535.000 doanh nghiệp. Lực lượng này đóng góp rất lớn vào nền kinh tế với 31% tổng thu ngân sách; chiếm 35% tổng vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao động, chiếm gần 50% tổng số lao động. Tuy nhiên, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá: “Đội ngũ doanh nghiệp này nhiều nhưng hoạt động chưa hiệu quả”.
Triển khai ngay các phương án hỗ trợ
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, trong giai đoạn 2011-2015, doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như chưa có chương trình hỗ trợ riêng, mà chỉ có các chương trình hỗ trợ chung chung. Trong đó, Bộ KH-ĐT có chương trình hỗ trợ quản trị, đào tạo; Bộ Tư pháp hỗ trợ pháp lý…
Đồng quan điểm, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết: “Các chính sách hỗ trợ mới dừng ở mức khuyến khích, chứ chưa có quyết định cụ thể, mạnh mẽ. Hướng phát triển theo chiều rộng, chưa có chiều sâu. Ngoài ra, các kế hoạch cũng thường được triển khai chậm, dẫn đến hiệu quả giảm”. Vị này chỉ ra, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã hình thành, song chưa cho vay được; Chương trình khoa học công nghệ chậm triển khai so với kế hoạch đặt ra… Ở cấp địa phương, việc triển khai hỗ trợ càng hạn chế hơn. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do thiếu nguồn lực để triển khai các kế hoạch.
Từ thực tế khảo sát cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang mong muốn được hỗ trợ về pháp lý, môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn vốn vay và vay vốn, mặt bằng sản xuất, tư vấn phương án kinh doanh, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu, bên cạnh mức thuế hợp lý.
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, những phương án hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển cần được triển khai ngay trong năm 2016 để kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016-2020 không chậm so với kế hoạch.