Báo Mỹ ví Mai Kiều Liên là Margaret Thatcher Việt Nam

Nhìn từ bên ngoài, nhà máy Vinamilk không có gì nổi bật so với hàng tá những công xưởng khác tại Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, trái ngược với vẻ ngoài bình thường, nhà máy này chính là nơi sản xuất 400 triệu lít sữa mỗi ngày cho người Việt.

Sản lượng 400 triệu lít sữa có thể chưa gây ấn tượng, nếu đặt cạnh con số 90 triệu dân của Việt Nam. Tuy nhiên, sữa tươi nguyên chất chỉ mới trở thành một phần quan trọng trong thực đơn hàng ngày của người Việt từ 10 năm trở lại. Thống kê từ Euromonitor cho thấy, năm 1990, trung bình mỗi người Việt chỉ tiêu thụ 0,5 lít sữa mỗi ngày. Ngày nay, con số đó đã tăng gấp 36 lần, với 18 lít mỗi ngày.  

CNBC đánh giá, công ty do bà Mai Kiều Liên điều hành là đơn vị có công lớn trong sự thay đổi thói quen ăn uống có chiều hướng tích cực của người Việt. Chủ tịch Mai Kiều Liên, người được ví như Margaret Thatcher của Việt Nam, chính là đầu tàu đưa công ty này trở thành thương hiệu hàng đầu trong mắt người Việt.

"Tôi không dám so sánh bản thân mình với bà Thatcher", CEO 61 tuổi bật cười khi biết có người ví von bà với cựu Thủ tướng Anh. "Mặc dù vậy, Vinamilk khó có thể đạt được vị thế trong ngành công nghiệp dinh dưỡng Việt Nam như ngày nay nếu thiếu đi những chỉ đạo quyết liệt của tôi", bà chia sẻ.

Bà Liên là người Việt đầu tiên lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes.

Bà Liên là người Việt đầu tiên lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes. Ảnh: VNM. 

Bà Liên là người có công lớn trong sự chuyển mình của Vinamilk. Gia nhập công ty 40 năm trước, bà đã biến hãng sữa này từ một công ty nhỏ, trở thành ông lớn trong ngành công nghiệp dinh dưỡng Việt Nam. Năm 2014, lợi nhuận trước thuế công ty đạt 359 triệu USD. 51% thị phần sữa tại Việt Nam thuộc về doanh nghiệp này, theo Nielsen.

Tuy nhiên, con đường đưa doanh nghiệp trở thành thương hiệu hàng đầu Việt Nam không chỉ có hoa hồng. Bà Liên nhớ lại, đã từng có thời điểm, doanh nghiệp này phải chạy vạy khắp nơi để huy động đủ ngoại tệ phục vụ cho việc nhập khẩu nguyên liệu. Đó là lúc chiến tranh vừa kết thúc, và nguyên liệu là điều sống còn đối với vận mệnh công ty.

"Chúng tôi phải thương lượng với các công ty xuất khẩu hải sản để có thể huy động đủ lượng ngoại tệ cần thiết. Hồi đó, nhà máy chỉ hoạt động với 4% công suất", bà Liên nhớ lại. Chủ tịch của Vinamilk được Forbes bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực của châu Á. Bên cạnh đó, bà cũng là người Việt duy nhất đoạt giải trong lĩnh vực “Kinh tế và đổi mới doanh nghiệp" tại giải thưởng Nikkei châu Á lần thứ 20, vừa diễn ra tại Nhật Bản vào tháng 5.  Dưới sự dẫn dắt của bà, sản phẩm của công ty đã xuất hiện ở 23 quốc gia, kỳ vọng đạt doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017. Trong 5 năm qua, đơn vị này cũng liên tục tăng trưởng và hiện được định giá khoảng 5,6 tỷ USD. 

Nguồn: Zing News

Nguồn Zing News

 
Bình luận của bạn