Chúng tôi muốn đưa máy nông nghiệp thương hiệu Việt ra thế giới
Từ năm 2009, Công ty TNHH một thành viên động cơ và máy nông nghiệp Miền Nam (Vikyno & Vinappro) được hợp nhất từ Công ty Vikyno (thành lập năm 1967) và Công ty Vinappro (thành lập năm 1968), trực thuộc Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (Bộ Công thương). Vikyno & Vinappro là doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị hàng đầu trong lĩnh vực nông ngư cơ tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Có thể nói, Vikyno & Vinappro hiện là thương hiệu máy nông nghiệp “made in Việt Nam” duy nhất có mặt nhiều năm liên tiếp trong danh sách doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, và cũng là một trong số rất ít thương hiệu máy nông nghiệp thuần Việt tồn tại và phát triển được trên thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt từ trước đến nay, thậm chí vươn ra xuất khẩu trên 25 quốc gia. Từng trải qua nhiều khó khăn do thiết bị máy móc lạc hậu và khó khăn về nguồn vật tư phục vụ sản xuất trong những năm đầu sau giải phóng, song đến nay Vikyno & Vinappro đã bứt phá trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp Việt Nam. Tổng giám đốc Trần Vạn Tuấn Anh, cho biết “tham vọng” của Vikyno & Vinappro là đưa máy động lực và máy nông nghiệp mang thương hiệu Việt Nam cung cấp rộng rãi trên thị trường quốc tế.
* Vượt qua khó khăn sau sáp nhập
Sau khi sáp nhập năm 2009, Vikyno & Vinappro đã có một giai đoạn khá khó khăn. Công ty đã vượt qua giai đoạn trên như thế nào?
- Thời điểm sáp nhập 2 Công ty Vikyno và Vinappro là một cột mốc quan trọng đầy những khó khăn, thách thức. Công ty Vikyno tuy đang là một doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, uy tín thương hiệu đã phát triển rất tốt trên thị trường trong và ngoài nước, tình hình tài chính ổn định, nhưng khi hợp nhất với Công ty Vinappro đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Chúng tôi phải cấu trúc lại hệ thống, sắp xếp lại bộ máy quản lý. Đặc biệt là công tác cải tạo, sắp xếp lại mặt bằng nhà xưởng nhà máy 2 để hình thành các dây chuyền sản xuất chi tiết và lắp ráp máy nông nghiệp có tính chuyên môn cao, cải tạo mặt bằng và thiết bị xưởng rulô cao su nhằm tăng năng suất, giảm tỷ lệ hư hỏng, cải tạo cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải... Đồng thời, để đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm động cơ mang thương hiệu Vinappro, công ty đã tập trung cải tiến các dòng sản phẩm và đã thu được kết quả rất khả quan.
Kết thúc năm 2009 - năm đầu tiên hợp nhất, Vikyno & Vinappro đã hoàn thành mục tiêu đề ra, tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định. Đặc biệt trong năm 2010, công ty đã hoàn toàn giải quyết căn bản các vấn đề tồn tại của Vinappro, đạt mức tăng trưởng cao, tạo tiền đề cho sự phát triển vững chắc trong những năm tiếp theo.
Ông lo lắng điều gì nhất trong thời điểm hiện tại? Nhất là Vikyno & Vinappro đang “đơn thương độc mã”, là doanh nghiệp hàng Việt duy nhất trong lĩnh vực này?
- Khó khăn nhất vẫn là sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc và hàng trốn thuế, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái… Vì là hàng nhập lậu, chất lượng thấp nên giá bán rất thấp. Các nhà phân phối chủ yếu là kinh doanh thương mại thuần túy nên không gặp khó khăn như Vikyno & Vinappro: vừa sản xuất, vừa phải lo khâu đầu ra, lo phát triển thị trường; bán giá thấp để cạnh tranh thì lợi nhuận rất thấp, thậm chí lỗ, dẫn đến thiếu kinh phí phát triển thị trường. Chính sách thúc đẩy ngành cơ khí nông nghiệp tuy có nhưng việc triển khai trong thực tế còn nhiều bất cập, chưa thật sự hiệu quả.
Hiện tại, máy Trung Quốc chiếm khoảng 50-60%, thị phần Vikyno & Vinappro chiếm khoảng 20-30% thị phần tùy chủng loại, còn lại là sản phẩm Nhật, Thái Lan… Các thị trường mạnh nhất của chúng tôi là Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Giá sản phẩm Vikyno & Vinappro đang cao gấp đôi sản phẩm Trung Quốc nhưng rẻ chỉ bằng 1/2 giá máy Nhật Bản. Chúng tôi chọn cho mình phân khúc giữa. Ở thị trường nước ngoài, nhiều nước khu vực Đông Nam Á, Nam Á rất chuộng sản phẩm của Vikyno & Vinappro. Hàng năm, doanh số xuất khẩu của Vikyno & Vinappro đạt từ 10 -12 triệu USD, chiếm khoảng 40% doanh số chung.
Về công nghệ và sáng tạo, ông có tự tin sản phẩm của Vikyno & Vinappro cạnh tranh được với hàng Nhật Bản và Thái Lan?
- Trong xu thế hội nhập như hiện nay, đặc biệt là sau khi thành lập Cộng đồng chung ASEAN thì không còn phân biệt thị trường trong nước và thị trường các nước còn lại trong khối ASEAN, mà là thị trường chung. Khi đó, Vikyno & Vinappro sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn (ví dụ từ Thái Lan…). Hơn nữa, khi hàng rào thuế quan sẽ từng bước gỡ bỏ, ở các nước có xu hướng sẽ áp dụng các hàng rào phi thuế quan như các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước. Khi đó, chúng tôi sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong việc đưa sản phẩm của mình xâm nhập các thị trường trong khối. Để có thể tự tin cạnh tranh được với sản phẩm Nhật Bản, Thái Lan… chúng tôi tìm cách nâng cao đẳng cấp chất lượng.
Trong năm 2015-2016, chúng tôi đầu tư dự án mới để nâng cao chất lượng động cơ diesel và máy kéo cỡ nhỏ với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 120 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 40 tỷ đồng, theo hướng tự động hóa. Đến thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thành 80% lượng công việc của dự án, và tôi nghĩ chất lượng sản phẩm của Vikyno & Vinappro sẽ tiếp tục được nâng lên tầm cao mới. Các khía cạnh tôi chú ý nhất là: chất lượng, bảo vệ môi trường, tiêu hao nhiên liệu thấp và dịch vụ sau bán hàng thật tốt...
* Tự hào là nhãn hàng “thuần Việt”
Vikyno & Vinappro có “cô đơn” không khi được coi là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất xây dựng được thương hiệu trong ngành máy nông nghiệp, hay ngược lại - “sướng” vì không có đối thủ cạnh tranh trong nước?
- Thú thực là làm ngành này rất khó. Hơn 10 năm trước, thị trường nông ngư cơ Việt Nam gần như bị chiếm lĩnh bởi những sản phẩm đã qua sử dụng, sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc. Ở giai đoạn này, thị phần của Vikyno & Vinappro và các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ rất thấp, nhiều doanh nghiệp đã phải hoạt động cầm chừng hoặc chuyển hướng sản xuất. Bản thân chúng tôi cũng có lúc khó khăn tưởng chừng không vượt qua được. Một điều khác khiến tôi tự hào là đã nâng được tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm lên khá cao, khoảng 90-100%. Chúng tôi đã lo xây dựng chuỗi cung ứng từ lâu và may mắn là có chuỗi cung ứng tốt từ các nhà sản xuất nội địa thông qua hỗ trợ về vốn hoặc kỹ thuật. Do đó, có thể nói Vikyno & Vinappro là nhãn hàng máy nông nghiệp “thuần Việt”.
Ông nghĩ thế nào về phát triển con người? Tố chất nào ở một người mà ông quan tâm nhất khi họ làm việc cho Vikyno & Vinappro?
- Con người là yếu tố quan trọng bậc nhất, do đó chúng tôi đặc biệt quan tâm đến chiến lược phát triển nguồn lực. Công tác đào tạo và phát triển nguồn cán bộ kế thừa luôn được chúng tôi thực hiện thường xuyên. Chúng tôi cũng dành nhiều sự quan tâm cho đội ngũ kỹ sư trẻ, tạo điều kiện để họ cọ xát với thực tiễn hoạt động kết hợp với việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, và quan điểm của tôi là phải đi lên từ những điều nhỏ nhất.
Tôi chú trọng nhất là cái tâm của người lao động: chịu khó học hỏi, nhiệt tình với công việc và có quyết tâm gắn bó với công việc mình đã chọn. Những người như thế luôn có cơ hội tại Vikyno & Vinappro.
Ông có “sợ” khi đâu đâu người ta cũng nói về hội nhập? Mong muốn của ông với Vikyno & Vinappro là gì?
- Hội nhập là xu hướng tất yếu và càng hội nhập sâu, chúng ta càng có cơ hội củng cố, phát huy nội lực mình tốt hơn. Nếu thị trường không yêu cầu thì doanh nghiệp cũng ít có động lực đổi mới. Chúng tôi đã xuất khẩu trên 25 nước, nhưng thật lòng tôi muốn vươn tầm ra quốc tế nhiều hơn nữa. Hiện tại, Vikyno & Vinappro cũng đã được biết nhiều ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á, nhưng chúng tôi còn muốn vươn xa hơn thế nữa.