Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Australia
Sau 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam - Australia ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả và ổn định. Mặc dù kim ngạch thương mại còn hạn chế, tuy nhiên Australia đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư tiềm năng và đáng tin cậy của Việt Nam.
Điều này phản ánh nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế hai nước cả về quy mô và gia tăng tốc độ phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ sau khi 2 nước tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Australia, New Zealand với ASEAN năm 2009 (AANZFTA), quan hệ thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Australia tăng trưởng đáng kể.
Với trình độ về công nghệ và nguồn lực vốn đầu tư, Australia ngày càng khẳng định vị thế và là đối tác quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới.
Động thái tích cực
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1973 đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Australia ngày càng được liên kết chặt chẽ từ ngoại giao, thương mại, kinh tế đến việc xử lý những vấn đề khu vực và thế giới mà cả hai bên cùng quan tâm.
Cùng với đó, việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2009, quan hệ giữa hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển. Đặc biệt, kinh tế - thương mại là lĩnh vực phát triển nhất trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam và Australia đang có những yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước trong thời gian tới. Điều này thể hiện qua số liệu thống kê trong năm 2016, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt 5,26 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2015.
Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt 2,87 tỷ USD, giảm 1,7% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 2,39 tỷ USD, tăng 18,3%.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, năm 2016 Việt Nam xuất siêu khoảng 480 triệu USD sang thị trường Australia. Đáng lưu ý, một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh trong năm 2016 bao gồm các loại máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 315,3%; sản phẩm từ sắt thép tăng 127,1%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 89,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 59,4%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 47,1%.... Ngoài ra, Australia đang có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ…
Bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu quen thuộc, Australia cũng đã mở cửa cho quả vải Việt Nam. Dù Việt Nam mới bước sang năm thứ hai xuất khẩu vải sang thị trường này nhưng kim ngạch xuất khẩu đã tăng mạnh và chất lượng vải Việt Nam cũng được đánh giá là có chất lượng và hương vị thơm ngon hơn hẳn sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc và Thái Lan.
Để có được điều này, các doanh nghiệp xuất khẩu đã phải sử dụng công nghệ xông hơi lưu huỳnh để tẩy trùng toàn bộ tạp chất ở vỏ quả vải. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn cẩn thận loại bỏ những chất độc hại còn tồn dư trước khi sơ chế, đóng hộp và vận chuyển sang Australia bằng đường hàng không, giúp bảo quản được lâu nhưng vẫn giữ được hương vị tươi ngon như mới hái.
Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại đã không ngần ngại chỉ ra rằng hình ảnh và tên tuổi của các nhà xuất khẩu Việt Nam tại hai thị trường Australia và New Zealand vẫn còn khá trầm lắng.
Nghiên cứu của Thương vụ Việt Nam tại Australia cho thấy, người tiêu dùng Australia khá bảo thủ và rất hiểu biết về vấn đề “giá cả tương xứng với giá trị”, họ cũng đánh giá cao hàng hóa sản xuất tại nội địa.
Dù vậy, người tiêu dùng lại rất cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu, không quá coi trọng nguồn gốc xuất xứ, chỉ quan tâm tới yếu tố như chất lượng, kiểu dáng và giá cả. Cách nhìn thoáng của người tiêu dùng sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Điều cấp thiết hiện nay là làm sao mang thông tin và tạo cầu nối cho doanh nghiệp với thị trường, nhằm giúp doanh nghiệp khai thác và đẩy mạnh xuất khẩu. Nếu Việt Nam không tận dụng tốt cơ hội thì AANZFTA sẽ chỉ có lợi cho nhà xuất khẩu Australia và New Zealand.
Hơn nữa, đây là thị trường ít dân nên yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa rất cao. Vì vậy, khá nhiều nhà bán lẻ ở Australia kinh doanh theo chính sách hoàn trả lại tiền hoặc đổi hàng nếu hàng hóa có vấn đề về chất lượng hoặc nếu người mua thay đổi ý định mua hàng.
Do đó, nhà nhập khẩu Australia không chấp nhận những sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng của họ. Đồng thời, họ giữ mối quan hệ lâu dài với các đối tác quen thuộc để đảm bảo việc kinh doanh được liên tục.
Đặc biệt các nhà nhập khẩu nước này không thích mặc cả. Họ sẵn sàng thương thảo một mức giá hợp lý nhưng không mặc cả để có mức giá giảm từ 20% trở lên. Nếu nhà cung cấp đưa ra mức giá không thực tế, nhà nhập khẩu Australia thường sẽ không xem xét đến đơn chào hàng.
Vì vậy, khi báo giá cho nhà nhập khẩu Australia, điều quan trọng nhất là đưa ra mức giá hợp lý nhất và thường phải thấp hơn mức giá chào cho người mua hàng tại Mỹ và châu Âu với tỷ lệ mặc cả không quá 3% đến 5%.
Tận dụng cơ hội
Ông Robert Chua, Chuyên gia tư vấn thị trường Australia cho rằng, nhu cầu nhập khẩu lớn là vậy nhưng nhiều mặt hàng dù là thế mạnh của Việt Nam nhưng vẫn chưa đủ sức chiếm lĩnh thị trường Australia.
Bởi trên thực tế thì Australia có nhập khẩu rất nhiều sản phẩm khác nhau từ các nước Châu Á Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến giày da, may mặc.
Do vậy, tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia sẽ còn rất lớn vì hiện nay, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia vẫn còn rất khiêm tốn, mới dùng ở mức 1,6% so với tổng giá trị xuất khẩu vào thị trường Australia.
Các chuyên gia thương mại cho biết, cơ hội để hàng Việt tiếp cận thị trường Australia là rất lớn nhưng ngược lại, yêu cầu cũng rất khắt khe. Do vậy, tuy giá cả rất quan trọng nhưng các doanh nghiệp vẫn cần đặt mình vào các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và cạnh tranh được với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao hệ thống quản lý chất lượng của các nhà máy bằng cách đạt được những chứng nhận quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, phụ gia thực phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có thể mời chuyên gia kiểm soát chất lượng sản phẩm và công nhân lành nghề của Australia đến Việt Nam làm việc theo hợp đồng có thời hạn để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa thông qua họ tìm hiểu thông tin vào thị trường, quảng bá các sản phẩm Việt Nam tại Australia.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Australia đang ngày càng phát triển. Nhưng để mối quan hệ này phát triển tương xứng với tiềm năng kinh tế của hai bên và tương xứng với tầm đối tác toàn diện đòi hỏi nỗ lực từ cả hai phía, cần sự hợp tác hơn nữa từ phía Australia.
Với cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau, Hiệp định AANZFTA đang được triển khai và trong bối cảnh gia tăng hội nhập khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, qua đây quan hệ thương mại Việt - Australia sẽ phát triển mạnh hơn nữa, tạo ra một bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự vươn lên tầm cao mới của quan hệ giữa hai nước.
Về phía Bộ Công Thương sẽ tiếp tục giải quyết nhanh những khó khăn cho doanh nghiệp như: thành lập đường dây nóng và giao cho Cục Xuất nhập khẩu xử lý các vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua đường dây nóng.
Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính, ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn các cơ hội, thách thức từ các FTA cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Australia và các thị trường lân cận.