Cơ hội đổi mới của doanh nghiệp
Gần đây, một số kênh phân phối của Việt Nam lần lượt bị các tập đoàn lớn nước ngoài thâu tóm. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đây là việc không thể tránh khỏi và bên cạnh thách thức, đây được nhận định là cơ hội cho doanh nghiệp Việt “chuyển mình”.
Lo ngại suy giảm tỷ lệ hàng Việt
Đầu năm 2016, các đại gia Thái Lan liên tục đẩy mạnh tốc độ thâu tóm hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ của Việt Nam. Mới đây nhất, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi - tuyên bố muốn mua lại thương hiệu Big C – một trong những kênh bán lẻ lớn nhất nước ta. Cùng với việc đã chính thức trở thành “ông chủ” của chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry tại Việt Nam, nếu thương vụ mua Big C được đàm phán thành công, BJC sẽ trở thành chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Điều này gây nên lo ngại đến thời điểm đó, chắc chắn tỷ lệ hàng Việt trong siêu thị sẽ giảm xuống, nhường thị phần cho hàng Thái.
Việc hàng Thái Lan thâm nhập thị trường Việt Nam không phải vấn đề mới. Nhiều năm gần đây, hàng hóa của quốc gia này luôn nhận được sự ưu ái nhất định nhờ chất lượng tốt, giá cả phải chăng, phù hợp với thị hiếu và xu hướng tiêu dùng của người Việt. Cơ hội giảm thuế từ việc Cộng đồng chung ASEAN được thành lập cũng khiến hàng Thái có cơ hội thâm nhập sâu hơn thị trường Việt Nam. Đặc biệt, việc các tập đoàn lớn Thái Lan liên tục mua lại các kênh bán lẻ Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước lo ngại.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Việt Nam - từng cảnh báo: “Chắc chắn tỷ lệ 80% hàng Việt trong các siêu thị sẽ giảm xuống khi các hãng bán lẻ Thái Lan thâu tóm kênh phân phối”.
Cơ hội kèm thách thức
Phải khẳng định, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc mua bán, sáp nhập (M&A) các kênh phân phối là hết sức bình thường. Hàng Việt Nam có cơ hội tỏa đi khắp thế giới thì hàng hóa nước ngoài cũng có thể tràn vào Việt Nam. Quan trọng hơn, DN đối phó ra sao với những thay đổi được báo trước đó. Nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ không có một kênh phân phối nào đủ sức “hất cẳng” hàng Việt khi hàng Việt có đủ chất lượng và sức cạnh tranh. Đây cũng là cơ hội để DN tự đổi mới, chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Tại Lễ công bố và trao chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao 2016, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao - nhận định: giá trị của hàng Việt được đo bằng yếu tố “do người tiêu dùng bình chọn”. Làm được điều này, DN phải đáp ứng nhiều tiêu chí như chất lượng, giá cả, hình thức phân phối. “Còn thị trường, hàng Việt sẽ còn tiến bước” – bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.
Trong buổi trao đổi với báo giới mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: “Không còn cách nào khác, nhà nước và DN cùng phải phát huy nội lực, tăng cường sức cạnh tranh để hội nhập thành công. DN phải là người đi đầu trong hội nhập thông qua việc tăng cường quản trị hiệu quả, đổi mới công nghệ để hạ giá thành”.
Để hỗ trợ cho kênh phân phối và DN sản xuất, ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay: Bộ Công Thương đã và đang tập trung vào công tác hướng dẫn địa phương, DN trong việc tổ chức triển khai các cơ chế chính sách chung được ban hành, thu hút nguồn vốn đầu tư cho hệ thống phân phối. Mặt khác, làm tốt khâu xây dựng các quy hoạch phát triển thương mại, quy hoạch phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu như: Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quy hoạch phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn cả nước… Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, giúp sản phẩm Việt tiếp cận và thâm nhập vào các kênh phân phối.