Để doanh nghiệp ngành hàng tươi sống “bơi” tốt
Chọn và dùng những loại thực phẩm nào để có được sức khỏe tốt luôn là mối bận tâm của tất cả mọi người, đặc biệt là đối với những mặt hàng tươi sống ngành hàng hải sản…
Mặc dù nhiều người vẫn biết sử dụng hải sản tươi sống tốt cho sức khỏe nhưng vấn đề đặt ra là không phải người dân cũng như du khách nào cũng được tiếp cận những nguồn thực phẩm quý giá trên…
Không phải người dân cũng tiếp cận được nguồn hải sản tươi sống, có hàm lượng dinh dưỡng cao
Nguồn lợi hải sản tại miền Trung thật vô giá và khó có nơi nào có thể sánh kịp về độ phong phú, đa dạng về chủng loại cũng như nguồn lợi dinh dưỡng. Tuy nhiên, bài toán đặt ra ở đây là không phải lúc nào ngư dân cũng được hưởng lợi từ những vụ đánh bắt, cũng như không phải lúc nào người dân cũng được sử dụng, thưởng thức những hải sản tươi sống thực sự, bởi lẽ:
Thứ nhất, ngư cụ đánh đắt của ngư dân chúng ta còn sơ sài và chưa có sự nâng cấp đồng bộ, chủ yếu là đánh bắt nhỏ lẻ sau đó bán cho các tiểu thương nên dễ xảy ra tình trạng “được mùa mất giá, mất mùa được giá”, đơn cử như vụ mùa cá nục, tép moi… vừa qua của ngư dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Thứ hai, sau khi đánh bắt, khâu bảo quản thực phẩm của chúng ta còn chưa được chú trọng, chủ yếu là ướp đá xay, bào đá ướp lạnh theo kiểu truyền thống rồi chứa trong boong tàu, trong khi đó các nước như Nhật, Úc… ngư dân họ đều học được kỹ thuật sơ chế và có máy móc sơ chế ngay trên tàu sau khó mới bảo quản để tránh mất đi giá trị dinh dưỡng cũng như đảm bảo cho thực phẩm luôn bơi sống trong điều kiện thích hợp.
Thứ ba phải kể đến đó là đầu ra cho các ngành hàng tươi sống, nhất là hải sản. Hiện nay xảy ra một thực trạng khá phổ biến là hải sản của chúng ta sau khi đánh bắt chủ yếu bán cho các thương lái mà chưa có một tổ chức hay cơ quan địa phương nào đứng ra là đầu mối liên kết với các doanh nghiệp để ngư dân yên tâm đánh bắt. Cũng phải nói thêm là nhu cầu tiêu thụ hải sản của thị trường hiện nay rất nhiều, mà những doanh nghiệp lớn chuyên buôn bán ngành hàng này thực sự chưa nhiều vì nó thiếu sợi dây liên kết giữa người dân – chính quyền – doanh nghiệp, nguồn cung nhiều, cầu cũng nhiều nhưng vẫn không đủ đáp ứng, doanh nghiệp hoàn toàn thiếu thông tin, nguồn lực nên khó có thể “đứng vững” được.
Là một trong những đơn vị trong ngành thực phẩm tươi sống, đặc biệt là hải sản, tôi kiến nghị cấp thiết trong việc thiết lập “sợi dây” liên kết giữa ngư dân, chính quyền và doanh nghiệp, thông qua đó,doanh nghiệp có thể chủ động nắm bắt thông tin thị trường, nguồn hàng để, mua bán, hỗ trợ kịp thời cho ngư dân, nâng cao giá trị sản phẩm, tránh tình trạng ép giá đồng thời doanh nghiệp sẽ không cảm thấy “cô độc” khi có sự chung tay góp sức, hỗ trợ từ chính quyền. Thông qua đó, nguồn hàng đến với thị trường sẽ đa dạng hơn, chất lượng sẽ tốt hơn, người dân và du khách sẽ được tiếp cận với nguồn thực phẩm tươi sống đảm bảo và đặc biệt là tránh tình trạng “chặt chém” du khách tại các thành phố du lịch vì hiện nay nhu cầu mua hải sản để thưởng thức và làm quà của du khách là rất lớn mà chưa có một doanh nghiệp nào dám đứng ra để đáp ứng nhu cầu trên.