Doanh nghiệp bán lẻ Việt: Liên kết, tăng cạnh tranh

Xu hướng các đại gia bán lẻ ngoại thực thi các thương vụ M&A các kênh bán lẻ nội chưa có dấu hiệu dừng lại. Để nâng cao sức cạnh tranh, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt được khuyến cáo nên liên kết chặt chẽ.

Hướng đi nào của thị trường bán lẻ?

Đầu tháng 9/2016, liên tục 3 điểm bán lẻ của thương hiệu Miniso (Nhật Bản) đã được mở tại Hà Nội, kinh doanh đồ gia dụng, mỹ phẩm, phụ kiện thời trang, túi xách, phụ kiện kỹ thuật số, thực phẩm… với mức giá khởi điểm chỉ 2 USD/món hàng. Trước đó, thương hiệu Miniso đã “quen mặt” với người tiêu dùng Việt bởi hàng loạt cửa hàng tiện lợi.

Trước khi bán một phần cổ phần cho Aeon - chuỗi siêu thị lớn nhất Nhật Bản - 90% hàng hóa tại các chuỗi siêu thị của Fivimart, Citimart đều là hàng Việt. Sau đó, hàng tiêu dùng Nhật Bản đã xuất hiện tương đối nhiều tại các chuỗi cửa hàng liên kết Aeon Fivimart, Aeon Citimart, đặc biệt là hàng tiêu dùng.

Tại buổi giao lưu trực tuyến “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa?” tổ chức mới đây, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam - cho biết, cùng với sự có mặt của hàng loạt các nhà bán lẻ nước ngoài, các thương vụ M&A diễn ra gần đây đã thực sự làm sôi động thị trường. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ, M&A là quá trình chủ động từ hai phía. Nếu DN chủ động tìm hiểu, tham gia vào các đối tác mạnh thì chúng ta sẽ mạnh hơn, có kinh nghiệm để phát triển hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp bị động, sau khi M&A, DN nước ngoài độc quyền kinh doanh, độc quyền tăng giá thì DN Việt sẽ mất lợi nhuận. Chưa kể, khi các đại gia bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam và thâu tóm nhiều thương hiệu Việt, các DN trong nước sẽ bị lấn sân, lợi nhuận của ngành bán lẻ chảy ra nước ngoài.

Đẩy mạnh liên kết

Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, thị trường bán lẻ đang thay đổi một cách chóng mặt và cạnh tranh vô cùng gay gắt. DN Việt không thể đơn độc mà chiến thắng, phải liên kết để tạo sức cạnh tranh.

Ông Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương - cho biết thêm, hiện đã xuất hiện những điển hình tốt cần phát triển như TH True Milk đầu tư vào sản xuất để có nông sản sạch, sữa sạch và đưa vào hệ thống phân phối khắp toàn quốc. Vingroup thuê đất tại các tỉnh với giá nông dân chấp nhận được, thuê nông dân sản xuất rau sạch, thực phẩm sạch để đưa vào siêu thị. Cách liên kết này nhằm tạo chuỗi sản phẩm, đưa hàng hóa đến tận tay người mua. Đó là những cách làm cần phải nhân rộng.

Về phía DN, cách làm của chuỗi bán lẻ Co.op Mart cũng được đánh giá cao. Ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc marketing Co.op Mart - cho hay, làn sóng sáp nhập mạnh như hiện nay đã tạo cho DN sự chủ động, nghiêm túc hơn trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược để thích ứng. Theo đó, Co.op Mart đã đẩy mạnh việc tạo mạng lưới thương hiệu và cửa hàng bán lẻ, có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với khách hàng, nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ để tạo thành chuỗi liên kết bền vũng, nâng sức cạnh tranh.

 

Bình luận của bạn