Doanh nghiệp đồ uống lo bị “lấn sân”

Theo Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam, khi thị trường thương mại Việt Nam mở toang cửa, doanh nghiệp đồ uống nếu không nâng chất lượng và kênh phân phối, sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.

Doanh nghiệp đồ uống lo bị “lấn sân”

Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực đồ uống đã chậm lại, chỉ đạt 4%/năm. Ảnh Internet.

Ngày 23/9, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị kết nối các doanh nghiệp sản xuất và thương mại trong ngành đồ uống nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng.

Bà Lê Thị Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành đồ uống đã có sự phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng, cũng như tạo động lực quan trọng cho các lĩnh vực như nông nghiệp, vận tải, cơ khí, hóa sinh, sản xuất bao bì, dịch vụ... phát triển. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành này dần chững lại, nhất là ngành bia.

Thống kê của Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân đối với lĩnh vực nước giải khát giai đoạn từ 2008-2011 luôn ở mức 17,03%/năm, nhưng từ 2012 đến nay, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, chỉ đạt mức 6%/năm và đến năm 2014 tăng trưởng chỉ xấp xỉ 4%/năm.

Riêng với ngành bia, nguyên nhân suy giảm được ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA lý giải là do chi phí sản xuất tăng, đồ uống nước ngoài lấn sân. "Từ năm 2016, khi thị trường thương mại Việt Nam mở toang cửa, doanh nghiệp đồ uống nếu không nâng chất lượng và kênh phân phối, sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà", ông Việt nói.

Bổ sung thêm nhận định trên, ông Lê Hồng Xanh, Phó vổng Giám đốc Tổng Công ty CP Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) lo ngại, nhiều hãng bia lớn trên thế giới đang có kế hoạch sản xuất và phân phối sản phẩm tại Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài có nhiều điểm hơn hẳn doanh nghiệp trong nước như kinh nghiệm, vốn, quản trị doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp trong nước lại gặp vướng mặc về thủ tục hành chính.

Không chỉ vậy, theo ông Dương Như Quang, Giám đốc Công ty TNHH Hải Hà (doanh nghiệp phân phối sản phẩm của HABECO), còn có sự cạnh tranh không lành mạnh của các hãng bia, thậm chí các đại lý kinh doanh cùng một hãng cũng cạnh tranh không lành mạnh.

Do đó, để doanh nghiệp nội có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp thế giới, ngoài việc nâng cao sản xuất thì hệ thống thương mại sẽ là yếu tố quyết định sự thành công.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nga cho rằng, trước áp lực cạnh tranh và xu hướng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, ngành đồ uống trong nước cũng đứng trước nhiều thách thức và là một trong những lo ngại lớn chính là khả năng thu hẹp quy mô sản xuất.

Chính vì vậy, việc liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và thương mại là động lực quan trọng giúp ngành đồ uống có một vị thế lớn hơn, nhằm giảm chi phí cũng như có thể tạo ra một hệ thống khép kín từ sản xuất, phân phối cho đến lưu thông để phục vụ người tiêu dùng, từ đó có thể vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, hướng tới xuất khẩu.

Theo Báo Hải Quan

Bình luận của bạn