Doanh nghiệp ngành nhôm đối mặt với khó khăn mới
Dù những khó khăn đã dần được tháo gỡ tuy nhiên các doanh nghiệp ngành nhôm vẫn phải đối mặt với không ít thách thức để thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, xử lý kiến nghị của Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam về hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ cho các doanh nghiệp sản xuất... thì một số khó khăn, vướng mắc lớn của các doanh nghiệp nhôm đã từng bước được tháo gỡ.
Tuy nhiên trong quá trình tái khởi động hoạt động sản xuất trong bối cảnh "bình thường mới", một số vướng mắc mới tiếp tục phát sinh đang chờ được tháo gỡ. Liên quan đến nội dung này, PV Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hội nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA).
Ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hội nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA)
- Thưa ông! Sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, xử lý kiến nghị mà các doanh nghiệp trong Hội nhôm thanh định hình Việt Nam đề xuất, đến nay đã được giải quyết ra sao?
Ông Nguyễn Minh Kế: Trước tiên, phải khẳng định các doanh nghiệp trong Hội nhôm thanh định hình Việt Nam hết sức phấn khởi và tin tưởng khi có sự đồng hành của Chính phủ. Đến nay, theo phản ánh của các hội viên, chúng tôi nhận thấy các kiến nghị liên quan đến các chính sách chống dịch đã được giải quyết, trong đó quan trọng nhất phải kể đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu đã dần trở lại bình thường cũng như sự thay đổi trong quy định về phương án sản xuất khi độ phủ vắc xin ngày càng được nâng cao.
Đây được xem là tiền đề hết sức quan trọng để các doanh nghiệp có thể thiết lập và ổn định dần phương án sản xuất trong trạng thái bình thường mới, “sống chung với dịch bệnh” như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy các doanh nghiệp ngành nhôm vẫn phải đối mặt với không ít thách thức phát sinh để thích ứng với trạng thái bình thường mới hiện nay.
- Ông có thể chia sẻ thêm về một số thách thức phát sinh trong thực tiễn tái khởi động của các doanh nghiệp hiện nay?
Ông Nguyễn Minh Kế: Nhìn chung các doanh nghiệp đều xác định tinh thần trong bối cảnh nguồn lực ngân sách Nhà nước còn hạn chế và sẽ phải phân bổ cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề và đối tượng khác trong xã hội thì việc “tự lực cánh sinh” là rất cần thiết. Song các nhà máy cũng rất mong chờ các gói hỗ trợ về giảm thuế VAT, hay hạ lãi suất vốn vay, cơ cấu lại các khoản nợ và giãn thời hạn trả nợ.
Khi tái khởi động sản xuất trong bối cảnh "bình thường mới" các doanh nghiệp Nhôm lại gặp phải những khó khăn mới.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình thiết lập lại hoạt động và sản xuất của các nhà máy các doanh nghiệp lại cũng đang gặp phải một số khó khăn phát sinh tiếp tục cần sự hỗ trợ tháo gỡ của nhà nước trên tinh thần doanh nghiệp sẽ nỗ lực tự “vượt lên chính mình”, nhà nước chủ yếu hỗ trợ về cơ chế, chính sách.
Đầu tiên phải kể đến là việc đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các nhà máy khu vực phía Nam khi đi vào sản xuất trở lại. Cụ thể, vừa qua, việc tiêm phủ vắc xin chủ yếu tập trung cho những địa phương có bùng phát dịch như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… nên lực lượng công nhân tại các địa phương khác vẫn chưa đạt độ phủ về vắc xin.
Trong bối cảnh đó, từ đầu tháng 10 một số nhà máy hoạt động trở lại nhưng doanh nghiệp vẫn rất lo lắng về độ an toàn khu phục hồi sản xuất, nhất là những cơ sở tại các địa phương chưa đạt độ phủ về vắc xin trong việc tiếp nhận công nhân trở lại làm việc.
Lúc này, các doanh nghiệp bị vướng trong thế khó, một mặt là không thể dừng sản xuất lâu thêm nữa vì các nhà máy đã dừng vài tháng, giờ là giai đoạn nước rút cuối năm nhưng sản xuất trở lại thì lại thiếu công nhân do một số địa phương nhiều công nhân chưa được tiêm đủ vắc xin.
Thách thức thứ hai là việc chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, hiện 80% nguyên liệu sản xuất của ngành Nhôm phải nhập khẩu từ nước ngoài và giá nhôm thế giới đang ở ngưỡng cao kỷ lục của ngành vật liệu này.
Một vấn đề cũng được đặt ra hiện nay là về vấn đề hạ lãi suất, cơ cấu lại nợ và giảm thuế VAT thì các doanh nghiệp vẫn chờ những hướng dẫn cụ thể hơn để có thể vận dụng trong thực tế.
- Vậy để các doanh nghiệp ngành nhôm trước mắt có thể “tự cứu mình”, đại diện phía Hội ông có kiến nghị, đề xuất gì?
Ông Nguyễn Minh Kế: Một số khó khăn, vướng mắc, nhất là về chi phí logistics và lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu như kiến nghị của Hội vừa qua đã được xem xét, xử lý và từng bước giải quyết. Các doanh nghiệp đang phấn đấu đảm bảo ổn định sản xuất ở mức cao nhất có thể.
Hiện nay, trong bối cảnh mới, để các doanh nghiệp có thể dần khôi phục lại sản xuất và thích ứng với trạng thái bình thường mới, “sống chung” với dịch, chúng tôi tiếp tục mong muốn Chính phủ, các địa phương đặc biệt là khu vực phía Nam sớm xem xét có cơ chế nhằm tháo gỡ một số “điểm nghẽn” như sau:
Thứ nhất, Chính phủ cũng như các địa phương sớm xem xét phương án ưu tiên vắc xin cho đội ngũ công nhân, nhất là tại các địa phương độ phủ vắc xin còn thấp. Đây có thể coi là điều kiện tiên quyết để các nhà máy từng bước hoạt động trở lại bình thường.
Thứ hai, đề nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ hạ lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản nợ và giãn hoãn thời gian trả các gói vay tối thiểu đến hết quý I/2022 để giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Thứ ba, kiến nghị thường vụ Quốc Hội, Chính phủ, Bộ Tài Chính giảm thuế VAT từ 6 tháng đến 1 năm để hỗ trợ người tiêu dùng, kích cầu trong nước.
Thứ tư, đề nghị các địa phương thống nhất thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 128 của chính phủ và hướng dẫn thực hiện của các bộ chuyên ngành nhằm tạo sự thuận lợi cho việc vận hành sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Chính phủ cũng cần có cơ chế giám sát, kiểm tra và chế tài xử lý đối với các địa phương để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi sau dịch.
- Xin cảm ơn ông!