Doanh nghiệp nội liên kết đẩy mạnh đưa hàng Việt vào siêu thị
Các doanh nghiệp thuộc 7 ngành hàng tiêu dùng ở 18 tỉnh/thành phố sẽ được hỗ trợ về vốn đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị.
Các doanh nghiệp thuộc 7 ngành hàng tiêu dùng ở 18 tỉnh/thành phố trên toàn quốc tới đây sẽ được hỗ trợ về vốn, phân phối, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị. Đây là một trong những điểm đáng chú ý được đưa ra tại lễ ký kết hợp tác đợt 1 của Tập đoàn Vingroup với gần 250 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”.
Các doanh nghiệp ký kết với Tập đoàn Vingroup thuộc 7 ngành hàng tiêu dùng cơ bản là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, văn phòng phẩm, đồ chơi, hàng gia dụng, hàng thực phẩm tươi sống, thời trang và bông vải sợi ở 18 tỉnh/thành phố trên toàn quốc.
Theo thỏa thuận được ký kết với gần 250 doanh nghiệp, tập đoàn Vingroup và các công ty thành viên sẽ triển khai các gói giải pháp tổng thể bao gồm: ưu đãi về phân phối, tăng cường hiện diện thương hiệu của doanh nghiệp trong hệ sinh thái hàng hóa, dịch vụ của Vingroup; tư vấn công nghệ, quản trị và kiểm soát chất lượng, marketing, tiêu thụ hàng hóa, tham gia góp vốn nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong số này, hơn 140 doanh nghiệp đã ký kết hợp tác về phân phối, theo đó trong vòng một năm, từ 1/6/2016 đến 1/6/2017 các doanh nghiệp trên sẽ được hỗ trợ đưa hàng vào hệ thống siêu thị Vinmart của Vingroup với các điều kiện ưu đãi hợp lý.
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup cho biết, mục tiêu của chương trình nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần tạo nguồn thực phẩm sạch và hàng tiêu dùng có chất lượng; đồng thời xây dựng các thương hiệu quốc gia, tiến tới là các thương hiệu đẳng cấp quốc tế.
Một trong điểm đáng chú ý là riêng các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây… sẽ được hưởng mức chiết khấu bằng 0%. Toàn bộ phần chiết khấu sẽ được hoàn trả 100% về nhà cung cấp, với mục đích tạo thêm nguồn kinh phí để doanh nghiệp tái đầu tư.
Ông La Quan Ba, Phó Tổng Giám đốc Công ty C.T.C chuyên sản xuất chế biến thủy hải sản và gia súc gia cầm có trụ sở tại Cần Thơ cho rằng: “Việc ký kết giữa Vingroup và các doanh nghiệp là một việc làm hết sức cần thiết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa được hàng vào siêu thị. Với việc không tính chiết khấu hoa hồng thì giúp doanh nghiệp đảm bảo lợi nhuận để hoạt động. Tôi nghĩ đây là việc làm hết sức có ý nghĩa. Hiện nay mới cam kết trong 1 năm. Nếu mà kéo dài thêm thì rất tốt cho doanh nghiệp.”
Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hàng hóa của các nước trong khu vực đang phủ đầy kênh siêu thị lớn tại Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn từ chi phí đầu vào tăng cao, tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Nhiều hệ thống siêu thị ngoại đòi tăng mức chiết khấu hoa hồng khiến doanh nghiệp Việt càng khó đưa hàng vào hệ thống phân phối.
Do đó, theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, trong bối cảnh này, liên kết giữa các doanh nghiệp nội trong việc củng cố, mở rộng hệ thống bán lẻ của người Việt và ưu tiên cho hàng Việt là rất quan trọng.
“Hiện nay vẫn tồn tại những khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam là giải quyết đầu ra của hàng hóa Việt Nam. Trong tình hình như vậy, Tập đoàn Vingroup với hệ thống siêu thị Vinmart rộng khắp cả nước đứng ra cam kết hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ phân phối hàng hóa, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp các mặt khác trong quá trình sản xuất, phân phối. Tôi nghĩ đây là một quyết định quan trọng góp phần tiêu thụ một số lượng lớn hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam”, bà Hạnh cho biết./.