Doanh nghiệp tư nhân Công Bình: Nâng vị thế hạt gạo Việt
Với 10 năm nỗ lực phát triển, đến nay doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Công Bình đã trở thành một trong những DN xuất khẩu gạo đặc sản chất lượng cao hàng đầu Việt Nam, khẳng định vị thế vững chắc tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.
Trên cơ sở khai thác thế mạnh cây lúa tại Long An, năm 2006, DNTN Công Bình đi vào hoạt động trong lĩnh vực xay xát và chế biến lương thực thực phẩm với sản phẩm chính là lúa gạo. Trải lòng về quyết định đầu tư vào lĩnh vực lúa gạo, nhất là gạo đặc sản cao cấp- nét đặc trưng riêng của DNTN Công Bình- ông Phan Công Bình, chủ DNTN Công Bình- cho biết: Mặc dù là nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới (sau Thái Lan và Ấn Ðộ) nhưng hiện nay thương hiệu của gạo Việt vẫn chưa được định hình trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước xuất khẩu lớn khiến Việt Nam đang dần mất dần thị phần ở nhiều thị trường quan trọng.
Với tâm huyết xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, DNTN Công Bình đã mạnh dạn đầu tư nhà máy, trang bị hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, xây kho chứa, liên kết cùng nông dân trồng lúa..., đồng thời phân tích, nghiên cứu nhu cầu của thị trường để từ đó phối hợp với các nhà khoa học lai tạo ra những giống lúa phù hợp, tiêu chuẩn cao.
Song song với đó, DNTN Công Bình còn bao tiêu sản phẩm cho người nông dân thông qua việc liên kết trồng trọt trên các cánh đồng lớn theo quy trình canh tác hiện đại, đạt tiêu chuấn VietGap tại địa bàn các tỉnh Long An, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu với diện tích khoảng 4.000ha/vụ. Do sản xuất trên những cánh đồng lớn nên dễ dàng kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức khâu thu hoạch, chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm một cách nhịp nhàng, bảo đảm chất lượng. Đây là cách làm tốt nhất để xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao của Công Bình nói riêng và xa hơn là thương hiệu gạo của Việt Nam nói chung.
Thông qua việc liên kết chặt chẽ với nông dân tổ chức canh tác trồng lúa đặc sản, DNTN Công Bình đã cho ra thị trường những sản phẩm lúa gạo chất lượng, có độ thuần chủng cao. Chính nhờ quá trình sản xuất khép kín nên DNTN Công Bình đã tận dụng được những phụ phẩm trong quá trình sản xuất để tạo ra giá trị gia tăng, góp phần giảm giá thành sản phẩm chính, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Từ 1 dây chuyền ban đầu đến nay DNTN Công Bình đã có 3 dây chuyền; công suất từ 24.000 tấn/năm nâng lên 120.000 tấn/năm. Đặc biệt DNTN Công Bình đã đầu tư mở rộng kho chứa hiện đại diện tích 20.000m² với sức chứa tối đa 20.000 tấn.
Sau chặng đường 10 năm phát triển, đến nay, thương hiệu gạo cao cấp Công Bình đã nhanh chóng được khẳng định vị trí trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu gạo trong nước, DNTN Công Bình còn xuất khẩu gạo tới hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Đài Loan, Anh, Úc, Mexico…
Ông Bình hy vọng, trong thời gian tới, mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo cho nông dân sẽ tiếp tục được nhân rộng, qua đó không chỉ góp phần “tăng lực” cho nông dân, tạo dựng niềm tin vững chắc để người nông dân bám trụ với ruộng đồng, từng bước khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo báo Công Thương