Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh tại thị trường Nam Mỹ

Xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ tăng trưởng 30 - 40%/năm. Nguồn ảnh: Thu Trang

Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Nam Mỹ đã thu hút khá nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đến tham gia tìm hiểu tiềm năng kinh doanh với vùng đất rộng lớn này.

Tại hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Nam Mỹ là một điểm sáng với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 30% đến 40%, nhiều sản phẩm của Việt Nam được ưa chuộng, có khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với khả năng thanh toán của thị trường. Với quy mô dân số trên 600 triệu người và tổng GDP đạt trên 6.000 tỉ USD, Nam Mỹ là khu vực thị trường có những tiềm năng lớn để các DN Việt Nam mở rộng đầu tư kinh doanh.

Trao đổi với các DN, ông Trần Đình Văn, nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Chile và có nhiều năm công tác tại các quốc gia Nam Mỹ cho biết, trước đây quan hệ thương mại của Việt Nam với khu vực này rất nhỏ. Nhưng vài năm trở lại đây, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Nam Mỹ tăng khoảng 22% mỗi năm cho thấy đây là vùng đất rất tiềm năng cho các DN Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, DN còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức khi thâm nhập vào khu vực thị trường này như khoảng cách địa lý, chi phí vận tải, khác biệt về văn hóa, thể chế pháp luật, tập quán kinh doanh…

Chia sẻ về những khó khăn của DN Việt, ông Trần Đình Văn cho biết, Chile là một trong những quốc gia có nền kinh tế mở hàng đầu thế giới, họ thiên về xu hướng bảo hộ người tiêu dùng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Chile chịu sự cạnh tranh lớn từ các nước trong khu vực và từ châu Á. Giá hàng hóa nhập khẩu là yếu tố cơ bản nhất trong sự lựa chọn của Chile.

Ông Trần Đình Văn cũng lưu ý tới các DN Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang Chile phải là loại có chất lượng trung bình khá trở lên. Hàng giá rẻ các DN Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Peru. Nếu DN của Chile không tiếp tục nhập hàng của DN Việt Nam nữa thì là do họ tìm được nguồn cung ứng ở nước khác với giá rẻ hơn chứ không phải vì chất lượng hoặc các vấn đề khác.

Tại hội thảo, đưa ra những kinh nghiệm trong việc giữ chân những khách hàng thân thiết, ông Thân Đức Việt - Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho hay, chúng ta phải đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng mọi tiêu chí của khách hàng bao gồm: tiêu chí nhà xưởng, đánh giá trách nhiệm xã hội của DN đối với người lao động, đáp ứng được mọi tiêu chí liên quan đến tiểu tiết sản phẩm trước khi xuất khẩu ra thị trường. Nếu chúng ta không sở hữu được công nghệ cao, đào tạo trình độ tay nghề của người lao động tạo ra chất lượng sản phẩm chưa tốt thì khách hàng cũng chỉ gắn bó với công ty trong một vài thương vụ thôi chứ không có những khách hàng thân thiết lâu dài.

Bình luận của bạn