Doanh nghiệp Việt Nam và những lợi thế xuất khẩu vào EAEU

Ngày 27/7, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo Giới thiệu thị trường các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) và cơ hội thúc đẩy xuất khẩu thông qua Việt Nam – EAEU FTA.

Hội thảo nhằm mục đích cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp các cam kết cơ bản của Hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam và EAEU, thông tin cơ bản về tình hình thị trường các nước thành viên của EAEU.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, Bộ Công thương cho biết: “Hiệp định thương mại tự do FTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 9 tới đây. Chúng tôi cho rằng thị trường các nước thuộc Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) là một thị trường tiềm năng, trước đây trong một thời gian dài, các nước trong liên minh đặc biệt là LB Nga gần như là đối tác duy nhất của Việt Nam về tất cả các lĩnh vực quan trọng gồm văn hóa, kinh tế và quân sự.

Đây là một di sản lớn trong mối quan hệ giữa hai nước. Hiện nay, thương mại với thị trường này đang ở mức khiêm tốn, nhưng LB Nga vẫn là một trong số các nước châu Âu có kim ngạch với Việt Nam cao, cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga là cộng đồng mạnh nhất trên thế giới, Chính phủ giữa hai nước có quan hệ tốt đẹp. Đây là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến thương mại vào thị trường tiềm năng này”.

Trong phần giới thiệu sơ lược về tình hình thị trường các nước EAEU, bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, Bộ Công thương cho biết, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và LB Nga luôn có sự tăng trưởng cao, trong các năm 2014 - 2015 trung bình đạt mức khoảng 2.2 - 2,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang LB Nga đạt 1,44 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại Việt Nam - LB Nga 1,3 tỷ USD (tăng 42.5% so với cùng kỳ 2015), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang LB Nga đạt 750 triệu USD. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang LB Nga bao gồm: điện thoại, linh kiện, máy vi tính và sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả. Bà Ngọc nhấn mạnh những điểm thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi vào thị trường LB Nga: “Do các lệnh cấm vận của Mỹ và EU, Nga sẽ áp dụng lệnh cấm vận nhập khẩu nông sản và thực phẩm từ phương Tây và Mỹ với thời hạn đến cuối năm 2017.

Nhiều loại nông sản, thực phẩm mà Nga cấm nhập từ phương tây lại là thứ mà ta có lợi thế xuất khẩu như hạt tiêu, hạt điều, hoa quả nhiệt đới, cá tra và thủy hải sản khô... LB Nga ngày càng nhận thấy sự cần thiết của việc tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khu vực có nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu dự kiến có hiệu lực vào tháng 9/2016 sẽ có tác dụng thiết thực, hiệu quả đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp”.

Trong phần hỏi đáp, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, trong đó có bà Nguyễn Thị Nga,  Giám đốc Công ty sản xuất thực phẩm chức năng đến từ Thanh Hóa bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Công thương hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách kết nối với những tập đoàn phân phối lớn tại thị trường LB Nga để tìm đầu ra cho sản phẩm, xây dựng các trung tâm thương mại của Việt Nam tại thị trường các nước trong khu vực EAEU để có thể xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang bán tại các trung tâm thương mại đó.

Trả lời doanh nghiệp, bà Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva (INCENTRA) là đầu mối, là địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp Việt Nam khi bước chân vào thị trường LB Nga. Năm 2015, tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva cũng đã tổ chức Hội chợ - Bán hàng “Hàng Việt Nam chất lượng cao tại Mátxcơva 2015” và xuất khẩu được sang LB Nga 120 tấn hàng hóa của 163 doanh nghiệp tham gia hội chợ. Đây được đánh giá là một chương trình xúc tiến hàng Việt ra nước ngoài mang lại hiệu quả cao nhất. Năm 2016, tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva tiếp tục diễn ra 2 kỳ hội chợ “Tuần lễ hàng Hà Nội tại Mátxcơva” và “Tuần lễ hàng TP. Hồ Chí Minh tại Mátxcơva” chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường LB Nga, tìm hướng phát triển bền vững tại thị trường này.

Trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo, ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh: “Hiệp định thương mại tự do không phải là cây đũa thần giải quyết tất cả mọi việc nhưng chúng tôi nhận thấy trên thực tế đây là một công cụ hữu hiệu, một cú hích rất quan trọng để đẩy mạnh hợp tác về kinh tế thương mại giữa các đối tác với nhau. Trên thế giới cũng như Việt Nam đã có rất nhiều hiệp định mà tác dụng vượt quá sự mong đợi, chẳng hạn chúng ta đã có hiệp định thương mại với Mỹ, nếu nhìn lại các con số về kim ngạch, thương mại, hợp tác kinh tế chúng ta sẽ thấy sự thay đổi rất đặc biệt sau khi ta trở thành đối tác với Mỹ. Những tác động của một hiệp định có thể khác nhau quan trọng là ta tận dụng được những lợi thế của nó, sẽ là cú hích để doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tất cả các đối tác hai bên làm việc tích cực với nhau tìm ra con đường đẩy mạnh kinh tế thương mại giữa hai bên”.

Ông Hải nhắn gửi đến các doanh nghiệp: “Những điều vĩ đại đều bắt đầu từ những điều đơn giản, chúng ta sẽ không nhìn vào những vấn đề to tát tác động của Hiệp định, mà nên nhìn thẳng vào bảng cắt giảm thuế quan hàng hóa, nên xem xét cụ thể mặt hàng của doanh nghiệp có nằm trong diện cắt giảm thuế quan hay không, cắt giảm bao nhiêu %, nếu hàng hóa của doanh nghiệp có được lợi thế về mặt thuế quan thì tiếp tục cân nhắc điều kiện xuất xứ của hàng hóa có thể đáp ứng được không, từ đó soi chiếu các điều kiện kỹ thuật khác, những điều kiện về hàng hóa thương mại ví dụ về hải quan, về hàng rào kỹ thuật, kiểm tra chất lượng sản phẩm... từ đó đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp có những thuận lợi như thế nào sau khi hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ tìm được con đường của mình”.

Để tạo ra nguồn thông tin thiết thực, hữu ích đối với doanh nghiệp, Bộ Công thương đã xây dựng website trong đó lấy thông tin chính thức từ chính phủ các nước về các nhà phân phối lớn, nhu cầu sản phẩm, hàng hóa của thị trường các nước để doanh nghiệp Việt Nam có một bức tranh cụ thể, chủ động cho hoạt động xuất khẩu.

Bộ Công thương cũng đang triển khai đề án lớn của Chính phủ thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp hàng Việt Nam vào các chuỗi phân phối lớn trên thế giới, tổ chức các tuần lễ hàng Việt Nam tại các nước và kết nối các chuỗi siêu thị với các nhà sản xuất của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam đang có những công cụ hiệu quả, thiết thực để gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào các nước trong khu vực EAEU, mỗi doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội này để nhanh chóng định hướng phát triển bền vững tại thị trường các nước trong Liên minh kinh tế Á -  Âu (EAEU).

Nhằm kịp thời đón đầu cơ hội do Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu mang lại và mở rộng kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp nên tham gia "Tuần lễ hàng Hà Nội tại Mátxcơva" từ ngày 9/9 đến 16/9 và "Tuần lễ hàng TP HCM tại Mátxcơva" từ ngày 6/10 đến 14/10 tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva. Để đăng ký tham gia hội chợ thể liên hệ để được tư vấn qua hotline 0965945666 hoặc truy cập website: hoicho2016.incentra.com.vn

Bình luận của bạn