Doanh nghiệp Việt sản xuất hàng cao cấp
Một món hàng Việt Nam cao cấp, trị giá vài triệu đến vài chục triệu vẫn có khách mua, DN trong nước sản xuất được và làm vừa lòng người tiêu dùng. Vậy tại sao phải để người Việt đi du lịch tận Hoa Kỳ, mua cái áo T-shirt xuất xứ từ Việt Nam về làm quà tặng người thân? Đây chính là trăn trở của rất nhiều DN và người tiêu dùng Việt hiện nay trước làn sóng hàng tiêu dùng ngoại dồn dập đổ vào thị trường nội địa.
Đã đến lúc người tiêu dùng trong nước phải được dùng hàng nội, chất lượng quốc tế |
Điểm qua một số nhóm hàng Việt phân khúc trung cao cấp như thời trang, đồ gỗ, nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến… thì thấy, khi hướng về tiêu thụ nội địa, hầu hết DN sản xuất, chế biến đều chọn phân khúc tiêu dùng trung cao cấp, với dòng sản phẩm chất lượng, hơn hẳn những sản phẩm cùng loại giá rẻ đang có trên thị trường (xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc).
Cụ thể, trong một số lĩnh vực như da giày, may mặc, người tiêu dùng nội ưa chuộng sản phẩm có thương hiệu như Mattana (Công ty May Nhà Bè), Việt Tiến, An Phước. Giới trẻ thì biết đến PT2000, NEM, Ninomax… với sản phẩm đa dạng, phong cách riêng, phụ kiện độc đáo.
Hay thương hiệu áo sơ-mi San Sciaro, Manhattan của Việt Tiến sử dụng chất liệu vải 100% cotton, từ bông cao cấp nhập khẩu của Thụy Sĩ, Ai Cập. Vải áo mềm, hút ẩm, chống bám bụi, không nhăn, thoáng mát. Chất liệu quần âu và veston từ nguyên liệu lông cừu của Ấn Độ hay Peru, mềm, không nhăn.
Về sản phẩm giày dép, túi xách, đang nổi lên nhãn hàng Gosto của Công ty Kinh doanh và sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s) với các mặt hàng giày dép, túi xách cao cấp, sản xuất thủ công (thợ đóng chỉ hai đôi giày/ngày), số lượng có hạn, chỉ tung ra thị trường hai đến ba bộ sưu tập/năm, tạo dấu ấn độc đáo, đẳng cấp.
Về nhóm hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm, thì tại chợ, siêu thị hiện đang có trên 90% là hàng của DN trong nước. Sản phẩm người tiêu dùng chọn lựa đều là thương hiệu có tên tuổi như Trung Nguyên, Vinamit, Cầu Tre, Hạ Long. Riêng lĩnh vực hàng tiêu dùng, gia dụng, hàng trang trí nội thất, thì các DN nội đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập, và có vẻ đuối sức.
Hầu hết người tiêu dùng cho rằng nhóm mặt hàng này của DN trong nước không thể sánh bằng hàng nhập khẩu về sự đa dạng, chất lượng và mẫu mã, mặc dù các thương hiệu có tiếng trong nước như Kim Hằng, Sunhouse, Thiên Thanh đã luôn đầu tư công nghệ, thiết kế mẫu mã mới, nâng chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và cạnh tranh ngang bằng với hàng ngoại.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit nhận định, từ trước tới giờ, DN sản xuất chú trọng xuất khẩu, bởi thị trường lớn, tiêu thụ hàng hóa nhiều. Và để xuất khẩu tốt, DN phải tuân thủ đúng các quy định chất lượng, kỹ thuật của bên nhập khẩu. Vì vậy, nói đến hàng xuất khẩu, bao giờ cũng gắn với có chất lượng cao.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà DN không chú trọng đầu tư cho chất lượng hàng tiêu thụ nội địa, bởi nhu cầu của người tiêu dùng trong nước càng lúc càng khắt khe, người tiêu dùng luôn muốn có sản phẩm chất lượng cao, an toàn khi sử dụng. Để tồn tại trên thị trường (cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa) hầu hết DN Việt đều sản xuất hàng hóa áp dụng các bộ tiêu chuẩn chất lượng cao.
Bà Cao Thanh, làm việc tại Ủy ban Thương mại, thuộc Chính phủ Australia tại Việt Nam cho biết, ở Australia và New Zealand, DN sản xuất hàng hóa nói chung và thực phẩm nói riêng đều được kiểm soát theo bộ tiêu chuẩn chất lượng chung, rất nghiêm ngặt. Hoàn toàn không có sự phân biệt giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nếu có khác thì hàng xuất khẩu phải tuân thủ thêm các quy định của thị trường nhập khẩu mà thôi.
Tất cả các sản phẩm sản xuất ra (nhất là nông sản, thực phẩm) đều phải tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nghiêm ngặt, kiểm tra, kiểm soát chất lượng đồng đều. Tương tự, theo ông Byun Sang Hyun, chuyên viên Cơ quan Thương mại Hàn Quốc, tại Hàn Quốc số lượng hộ sản xuất và DNNVV rất lớn, trong đó, có rất nhiều mặt hàng sản xuất thủ công truyền thống.
Thế nhưng, tất cả đều phải tuân thủ những quy định về chất lượng sản phẩm chung, bất kể là xuất khẩu hay tiêu dùng trong nước. Điều này, người tiêu dùng Việt Nam có thể biết được thông qua các hội chợ giới thiệu hàng Hàn Quốc tại Việt Nam thời gian qua.
Từ thực tế này cho thấy, mặc dù DN Việt đã đầu tư cho sản xuất hàng tiêu thụ nội địa nhiều hơn trước đây (5 -10 năm trước), song so với dành cho hàng xuất khẩu thì chưa đáng là bao. Và đã đến lúc người tiêu dùng trong nước phải được dùng hàng nội, chất lượng quốc tế.