Doanh nghiệp Việt sang Campuchia trồng lúa để… xuất khẩu

Theo tham tán thương mại Việt Nam tại Campuchia, doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể xem xét đầu tư trồng lúa ở Campuchia để xuất khẩu (XK) gạo qua thị trường Liên minh châu Âu (EU). Vì hiện nay, nước láng giềng này được hưởng chính sách đặc biệt khi XK nông sản qua EU, không phải do chất lượng hay thương hiệu gạo nước này tốt hơn Việt Nam, mà quan trọng, gạo của Campuchia xuất mạnh vào châu Âu là nhờ sự hậu thuẫn của chính sách.

Đi vòng để hưởng các ưu đãi

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong số 8 triệu tấn gạo mà Việt Nam XK (chính ngạch và tiểu ngạch) hằng năm, thị trường nhập khẩu nhiều nhất vẫn là Trung Quốc. Tiếp đến là những thị trường khu vực ASEAN như Philippines, Indonesia, Malaysia. Xa hơn là các thị trường châu Phi, Nam Mỹ... Tất cả đều là những thị trường tương đối "dễ tính", đòi hỏi chất lượng sản phẩm không cao. Còn những thị trường như EU, Mỹ, gạo Việt Nam không dễ tiếp cận.

Trong khi đó, Campuchia lại đang XK gạo sang thị trường EU dễ dàng với giá bán cao hơn nhiều giá XK gạo cùng loại của Việt Nam. Hiện EU là thị trường chiếm đến hơn 60% thị phần gạo XK của quốc gia này. Vậy tại sao Campuchia làm được điều này trong khi nước XK gạo thứ 2 thế giới như Việt Nam lại gặp khó? Về điều này, ông Nguyễn Bảo,Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết, gạo của Campuchia XK mạnh vào châu Âu không phải do chất lượng haythương hiệu gạo nước này, mà nhờ sự hậu thuẫn của chính sách.

Cụ thể EU có chính sách ưu đãi đặc biệt, miễn thuế nhập khẩu cho nông sản từ Campuchia. Từ đó nước này đã tận dụng cơ hội đầu tư nhà máy, kho chứa đáp ứng tiêu chuẩn EU để XK gạo nói riêng và nông sản sang thị trường EU. Ông Bảo thông tin, hiện Campuchia đang cần 300 triệu USD đầu tư vào nông nghiệp. Đây là cơ hội cho Cty XK gạo, nông sản Việt Nam đầu tư, và từ thị trường này sẽ tiếp cận EU dễ dàng hơn. “Các DN Việt có thể tham gia đầu tư, kinh doanh như thu mua lúa gạo, đầu tư nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo đảm bảo tiêu chuẩn XK. Ngoài ra, các tỉnh của Campuchia còn kêu gọi các Cty Việt Nam đầu tư vào trồng rau xanh, cây ăn trái, nuôi tôm cá để cung cấp cho thị trường nội địa và XK”, ông Bảo cho hay.

Chưa tận dụng hết cơ hội

Vài năm trở lại đây nhiều DN của Việt Nam đã tích cực mở rộng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp như trồng cao su, cà phê, mắc ca, mía đường… tại các nước láng giềng như Campuchia để tận dụng cơ hội trên . Trong đó đáng chú ý, nhiều Cty Việt sang nước láng giềng này để trồng lúa, chế biến gạo. Và hiện vẫn đang có thêm một số DN sản xuất và kinh doanh XK gạo Việt Nam tiếp tục tìm hiểu các thủ tục đầu tư để sản xuất, kinh doanh gạo tại Campuchia. Có hai hướng mà DN gạo Việt Nam đang cân nhắc là mở các nhà máy xay xát, chế biến gạo XK, hoặc đầu tư vào khâu sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn mà Việt Nam đang áp dụng.

Theo các DN đang đầu tư sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Campuchia việc đầu tư vào lĩnh vực lúa gạo ở Campuchia là một bước đi vòng, nhưng đảm bảo chắc chắn về đầu ra. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Cty Gạo Việt Hưng, phân tích: “Gạo Việt rất khó tiếp cận thị trường EU, do đó việc qua Campuchia trồng lúa để XK là một hướng đi mới. Mở thêm cánh cửa để tiếp cận thị trường khó tính EU và đầu ra sẽ thuận lợi hơn, bởi khi Cty Việt đầu tư sang Campuchia cũng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ nước nhập khẩu”.

Như vậy, thuận lợi khi đầu tư tại Campuchia hay Lào là khá nhiều. Bởi ngoài việc được ưu đãi khi XK từ các thị trường nhập khẩu, thì nguồn quỹ đất còn lớn ở các nước này tạo điều kiện cho DN ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Bên cạnh đó, giá nhân công rẻ cũng giúp tiết giảm chi phí, đặc biệt tỉ trọng thuế/ lợi nhuận của DN Campuchia thấp hơn Việt Nam. Ví dụ, theo một nghiên cứu, DN Việt phải bỏ ra khoảng 39,4% lợi nhuận để nộp thuế, phí... trong khi Campuchia con số này chỉ là 21%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một số DN Việt đầu tư sản xuất nông sản tại Campuchia vẫn chưa tận dụng một cách tốt nhất chính sách ưu đãi về thuế từ các thị trường dành cho nước này để có thể hưởng lợi XK. Một trong những nguyên nhân là do còn gặp một số khó khăn về thủ tục tại nước sở tại. Về điều này, ông Nguyễn Văn Đôn cho hay, khi trồng lúa thì Cty Việt thường bán lại cho doanh nghiệp XK gạo Campuchia. “Đầu tư tại Campuchia vẫn bị thủ tục hành chính làm khó. Việc hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý tại nước này cũng khó khăn do pháp luật đôi khi chưa rõ ràng, cán bộ đủ khả năng nghiệp vụ có giới hạn”, , ông Đôn nhận xét.

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cũng chia sẻ, tuy hiện tại đã có một số “ông lớn” ngành lúa gạo đầu tư nhà máy chế biến tại Campuchia, nhưng vì trong quá trình làm thủ tục gặp vướng mắc nên không tiếp tục đầu tư quy mô lớn mà chủ yếu dừng lại thu mua nguyên liệu. GS Xuân gợi ý một trong những cách hay để tận dụng được cơ hội XK gạo nói riêng và nông sản nói chung tại Campuchia là DN Việt cần liên kết với các DN nội địa để tiếp cận XK tốt hơn.

Bình luận của bạn