Doanh nghiệp Việt tại Nga tận dụng lợi thế từ FTA
Doanh nghiệp Việt Nam tính toán được lợi ích và quyết tâm nâng tầm doanh nghiệp trên thị trường rộng lớn của LB Nga.
Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ triển lãm thiết bị và công nghệ công nghiệp nhẹ toàn liên bang Nga lần thứ 48, khai mạc ngày 14/2 và diễn ra trong ba ngày. |
Hội chợ triển lãm thiết bị và công nghệ công nghiệp nhẹ toàn liên bang Nga là sự kiện được tổ chức đều kỳ và thu hút các doanh nghiệp sản xuất và thương mại không chỉ từ LB Nga mà còn từ cả các nước lân cận có thế mạnh về hàng dệt may như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc… Chi phí tham dự một hoạt động quy mô như vậy không phải là nhỏ, song đã có doanh nghiệp Việt Nam tính toán được lợi ích và quan trọng nhất là quyết tâm nâng tầm doanh nghiệp trên thị trường rộng lớn của LB Nga, đặc biệt là khi Hiệp ước về Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) đã có hiệu lực.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại LB Nga, ông Trần Đăng Chung, Chủ tịch HĐQT một trong những công ty hàng đầu về sản xuất hàng thời trang tại LB Nga tham gia Triển lãm, cho biết, trước kia công ty có nhà máy may mặc với gần 700 công nhân, song kể từ khi FTA có hiệu lực, miễn thuế cho nhiều mặt hàng công nghiệp nhẹ, trong đó có hàng quần áo, thì ông đã quyết định tận dụng cơ hội, chuyển sản xuất về Việt Nam.
Ông cho biết, tại Việt Nam, ông ký hợp đồng may với các tập đoàn may mặc lớn như Vinatex, sử dụng nguồn nhân công tay nghề cao hơn, máy móc thiết bị dệt may hiện đại và quy mô hơn hẳn so với cơ sở tại Nga, từ đó chất lượng mẫu mã sản phẩm của công ty được nâng cao, củng cố vị trí tại phân khúc trung bình khá mà công ty định vị mình trên thị trường Nga. Mặt khác, khi chuyển sản xuất về Việt Nam, công ty cũng giảm được khâu tuyển dụng, quản lý công nhân vốn rất phức tạp. Ngoài ra, công nhân cũng không phải đi xa nhà làm việc, mà được sống cùng gia đình. Dù chưa tính ra con số những ích lợi từ FTA, song chỉ riêng những đơn giản hóa trong quản lý, thủ tục hành chính liên quan đến việc tuyển dụng công nhân, cũng như xóa bỏ rào cản thuế quan đã là những lý do đủ để doanh nghiệp chuyển hướng.
Các mặt hàng “made in Viet Nam” của công ty Milton trưng bày tại Triển lãm đã thu hút được khách hàng đại lý lớn tại Nga. |
Tất cả những tính toán đều được ông Chung chia sẻ với các công ty khác trong Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga và tự mình đi đầu trong quyết định chuyển hướng sản xuất. Với thương hiệu đã được đăng ký trên thị trường, với các nguồn khách hàng lớn ổn định, nay nhờ FTA giảm được giá thành nhờ được miễn thuế nhập khẩu, sản phẩm thời trang “made in Việt Nam” của ông càng có cơ hội mở rộng thêm thị trường, nâng cao vị trí trên thị trường. Ngay cả việc đầu tư nhiều chục nghìn đô la Mỹ cho ba ngày tham gia Triển lãm cũng là hoạt động định vị mình như một doanh nghiệp có uy tín, có thương hiệu, có bề sâu hoạt động và có mong muốn trở thành đối tác giá trị.
Đại diện của công ty kinh doanh thời trang trực tuyến Ural cho biết sau khi quyết định ký một hợp đồng khung với doanh nghiệp thời trang Milton của Việt Nam: “Chúng tôi chọn thương hiệu Milton của Việt Nam trước hết vì mẫu mã hiện đại, chất lượng may châu Âu, và qua điều tra thấy công ty có uy tín, có hệ thống quản lý và đóng thuế minh bạch, có thâm niên hoạt động trên thị trường Nga”.
Doanh nghiệp Việt Nam thành công trên thị trường Nga không phải ít, song tư duy làm ăn bài bản, đi trước đón đầu, và nhất là dựa vào luật pháp Nga và quốc tế để tìm kiếm cơ hội cho mình chưa phải phổ biến. Kinh nghiệm từ những doanh nghiệp tiên phong tại triển lãm như Milton thực sự cho thấy một cách nghĩ, một cách làm “tầm vóc” của doanh nhân Việt Nam trên thị trường Nga.
Hiệp định về Khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU có hiệu lực từ ngày 5/10/2016, bãi bỏ thuế xuất nhập khẩu cho 60% ngành hàng, sau 10 năm khi kết thúc giai đoạn quá độ, sẽ có tới 90% dòng hàng được bãi bỏ hoặc giảm thuế. Theo thông tin từ VCCI Việt nam, các ngành có lợi thế nhất khi tham gia hiệp định này bao gồm thủy sản, dệt may, và da giày. Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, ngay sau Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch hàng dệt may giữa hai bên sẽ tăng trưởng 50% ngay trong năm đầu tiên và tăng trung bình 20%/năm trong 5 năm tiếp theo. Giá trị kim ngạch tăng từ 700 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD trong 1-2 năm tới và Việt Nam sẽ từ vị trí nhà cung cấp hàng dệt may thứ 8 tiến lên vị trí thứ 4 tại thị trường EAEU.