Đóng góp vào ngành nông nghiệp theo cách của Thaco
Thaco đang khánh thành nhà máy sản xuất máy nông nghiệp lớn nhất nước tại Quảng Nam.
Trong vài năm gần đây, việc các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp không còn là điều gì quá lạ lẫm. Nhà tiên phong trong lĩnh vực này, không ai khác chính là Hoàng Anh Gia Lai, với sự quyết tâm ngùn ngụt của ông chủ Đoàn Nguyên Đức. Nông nghiệp với các trang trại trồng cao su, cây ăn trái, mía đường, nông trại bò… thay thế đồ gỗ gia dụng trở thành mảng kinh doanh chính của tập đoàn này bên cạnh bất động sản.
Cho tới thời điểm này, có thể nói, cú chuyển mình qua mảng nông nghiệp đầy bất ngờ của Hoàng Anh Gia Lai năm 2013 vẫn chưa mang tới cho họ lợi nhuận như kỳ vọng. Tuy nhiên, điều đó vẫn không khiến các tập đoàn kinh tế lớn còn lại nhụt chí.
Tiêu biểu như Vingroup. Nếu Hoàng Anh Gia Lai tập trung vào trồng trái cây thì VinEco của Vingroup tập trung sản xuất rau củ quả. Dù đi sau, song Vingroup có một lợi thế to lớn mà Hoàng Anh Gia Lai không có: đầu ra dễ dàng nhờ 2 hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ xuất hiện dày đặc và rộng khắp cả nước. Hiện tại, Vinmart+ đang là chuỗi siêu thị có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Năm 2015, Hòa Phát cũng gây bất ngờ khi thông báo sẽ đổ một số vốn lớn để nhảy vào mảng nông nghiệp, cụ thể là sẽ mở nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Sau đó, họ còn trực tiếp mở thêm một công ty chăn nuôi lợn thịt và lợn nái, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vì không phải ai cũng đủ kiên nhẫn cùng tiềm lực để bắt đầu gây dựng từ đầu như Hoàng Anh Gia Lai hay Vingroup, nên M&A và sử dụng thế mạnh của bản thân để phụ trợ trở thành phương pháp được nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn trong tầm 3 năm trở lại đây.
Cũng trong năm 2015, Masan tỏ rõ sự quan tâm của mình tới lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, thay vì đổ tiền để gầy dựng từ đầu như Hòa Phát, họ lại chọn cách thâu tóm các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực này. Tương tự, Pan Pacific đã bỏ nhiều tiền vào các công ty nông nghiệp.
Trong khi đó, hai công ty công nghệ – công nghiệp là FPT và Thaco Trường Hải lại chọn cách riêng để thâm nhập vào lĩnh vực nông nghiệp: dựa vào sức mạnh sẵn có của bản thân để phụ trợ cho trồng trọt và chăn nuôi.
Với thế mạnh về công nghệ thông tin, FPT đang tích cực đầu tư, phát triển các giải pháp công nghệ thông minh ứng dụng trong nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, FPT đang tham gia vào khâu truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp…
Cũng như FPT, Thaco Trường Hải đang hỗ trợ đắc lực cho ngành nông nghiệp Việt thông qua những mảng miếng chính mà mình đang có: cơ khí, logistic, hạ tầng nông nghiệp.
Cuối năm 2016, trong một hội thảo, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch kiêm CEO của Thaco tiết lộ: ngay sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhiều lần liên hệ, mời ông Dương ra văn phòng Bộ để bàn bạc, nghiên cứu việc đầu tư vào nông nghiệp. Bộ trưởng cũng khuyến khích ông Dương “làm được gì thì cố gắng làm cho nông nghiệp Việt Nam”.
Để thực hiện sứ mệnh được giao, đầu năm 2017, Thaco tìm cách kết nối với Công ty Lộc Trời – chuyên sản xuất lúa gạo. Dự án mà cả hai hợp tác tại Thái Bình có tên: Công nghiệp hóa nông nghiệp và vận hành chuỗi khép kín sản xuất, thu hoạch, chế biến, vận chuyển, phân phối.
Nhiệm vụ chính của dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.800 tỷ đồng là xây dựng khu công nghiệp chuyên nông nghiệp (diện tích khoảng 310 ha); xây dựng cảng và hệ thống vận chuyển chuyên dụng bằng đường thủy; xây dựng hệ thống nông trường (cánh đồng mẫu lớn) diện tích giai đoạn 1 khoảng 340 ha.
Cũng trong đầu năm 2017, Thaco ký một hợp đồng lớn với Công ty LS Mtron, một “đại gia” trong ngành công nghiệp sản xuất máy móc phục vụ cho nông nghiệp của Hàn Quốc và cả thế giới.
Theo nội dung ký kết, LS Mtron sẽ chuyển giao công nghệ cho Thaco xây dựng nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị canh tác các loại… sử dụng trong nông nghiệp với tỷ lệ nội địa hoá 50% và phân phối độc quyền tại Việt Nam mang thương hiệu Thaco. Tiếp đến, giai đoạn 2 là liên doanh mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.
Vào ngày 21/2/2018 vừa qua, nhà máy sản xuất máy nông nghiệp quy mô lớn nhất nước đã được Thaco khánh thành sau một năm ròng rã xây dựng và phát triển. Nhà máy sản xuất Máy nông nghiệp Thaco được đặt tại Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải, Quảng Nam.
Nhà máy được đầu tư xây dựng từ tháng 1/2017, trên diện tích 12.500m2, với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng.
Sản phẩm là các loại máy kéo nông nghiệp có công suất từ 18HP – 120HP, máy gặt đập và các thiết bị canh tác phục vụ ngành nông nghiệp được kiểm soát bằng hệ thống quản lý chất lượng ISO – TS16949. Trong giai đoạn đầu, nhà máy có công suất thiết kế 2.000 máy kéo/năm, 3.000 bộ thiết bị canh tác và 1.000 máy gặt đập liên hợp.
Mục tiêu của Thaco là đạt 7% thị phần vào năm 2018 với 500 máy kéo và 38% thị phần vào năm 2026 với 2.100 máy kéo. Thị trường trọng điểm xuất khẩu trong tương lai là Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar, Indonesia và các thị trường trong hệ thống kinh doanh của đối tác LS Mtron (Hàn Quốc).