Đưa hàng Việt chất lượng về chợ Tết ở nông thôn

Điều đáng mừng là tại các phiên chợ này hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm tỷ trọng lên đến 90% trong cơ cấu hàng hóa bày bán và nhận được sự hưởng ứng của người dân.

Háo hức mua hàng Tết

Năm nay là năm thứ 4 phiên chợ Tết được Tổng Công ty Thương mại (Hapro) tổ chức tại xã Đồng Tân (huyện Ứng Hòa) để phục vụ hàng Tết cho người dân. Cụ bà Đoàn Thị Liên (thôn Khánh Vân, xã Đồng Tân) dù đã 85 tuổi nhưng vẫn dậy từ sớm đi bộ ra phiên chợ Tết mua dầu ăn, nước mắm, hạt nêm… “Đây không phải là năm đầu tiên tôi tìm đến phiên chợ Tết mua hàng tiêu dùng, lý do là bởi hàng bày bán ở đây tốt, bảo đảm, sử dụng yên tâm không sợ mua phải hàng giả, kém chất lượng" - bà Liên chia sẻ.

Trong khi đó, Anh Vũ Văn Ðường (xóm 7, xã Đồng Tân) phấn khởi tâm sự: "Những năm trước, mỗi dịp Tết, vợ chồng tôi phải mất một ngày vào nội thành mua sắm. Ngày Tết, đường sá đông, đi lại rất vất vả. Mấy năm nay TP mở mô hình chợ Tết tại các huyện, giúp việc mua sắm của người dân thuận tiện hơn. Đặc biệt giá bán hợp lý, phù hợp với túi tiền của người dân, chất lượng đảm bảo nên từ sáng tới giờ, vợ chồng tôi mua lượng hàng Tết trị giá cả triệu đồng". Đa phần người dân sau khi mua hàng đều cho biết họ mong muốn có những điểm bán hàng Việt cố định chứ không đơn thuần chỉ là những kỳ tổ chức hội chợ. Bởi mỗi năm chỉ có vài ba phiên nên chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân.

Thực tế cho thấy mặc dù hệ thống bán lẻ TP Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ nhưng các siêu thị chủ yếu mở tại các quận nội thành nên người dân các huyện không dễ để tiếp cận được nguồn hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, dẫn đến người dân phải mua tại các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. 

Cơ hội quảng bá hàng Việt

Thực tế, vài năm gần đây những chương trình chợ Tết đều nhận được các ý kiến tích cực từ DN và người dân ngoại thành, đồng thời nâng cao nhận thức, lòng tin với sản phẩm hàng hóa Việt, góp phần ổn định thị trường, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhiều DN bán lẻ khi được hỏi về lợi ích phiên chợ Tết đều cho rằng, việc họ tham gia bán hàng tại các huyện dịp Tết ngoài việc tăng doanh số bán hàng còn giúp DN có thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm tới người dân.

Phó Tổng Giám đốc Hapro Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết: Thị trường ngoại thành Hà Nội có sức mua lớn, nhưng hệ thống hạ tầng thương mại chưa hoàn chỉnh. Việc tổ chức phiên chợ Tết đưa hàng về nông thôn không chỉ giúp DN tiêu thụ sản phẩm mà còn là cơ hội để DN, chủ cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá hàng Việt tới người tiêu dùng, qua đó phát triển hệ thống đại lý tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, hàng Việt chất lượng ngày càng tốt nhưng chưa được quảng bá rộng rãi. Qua những chuyến bán hàng về nông thôn, bà con dần quen với việc sử dụng hàng Việt chất lượng cao, được DN tư vấn những thông tin cần thiết về sử dụng, bảo quản hàng hóa, cách phân biệt hàng giả. Qua đó mang lại hiệu quả thiết thực cho cả DN và người tiêu dùng nên chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của DN bán lẻ, sản xuất...

Phiên chợ Tết mang lại lợi ích kép cho DN, người tiêu dùng nhưng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Tuy nhiên cùng với những giải pháp thiết thực của các sở, ngành trong việc phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng số chuyến bán hàng, DN rất cần được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để phát triển điểm bán cố định tại địa phương. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự liên kết hiệu quả giữa Hà Nội với các tỉnh, TP trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giúp các DN giới thiệu, khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương để đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội trước, trong và sau Tết.
 

Bình luận của bạn