Đưa Việt Nam trở thành địa điểm khởi nghiệp
2016 sẽ là một năm tập trung triển khai hội nhập quốc tế ở mức độ cao nhất của nền kinh tế. Từ đó, các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp (DN), yêu cầu hỗ trợ DN sẽ là chủ đề và mục tiêu quan trọng nhất đối với các cấp điều hành, quản lý…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), kể từ ngày Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành (1/7/2015) hoạt động đăng ký DN đã có chuyển biến tích cực, với số lượng DN thành lập mới tăng đáng kể và số vốn đăng ký tăng cao so với cùng kỳ năm 2014. Điều này góp phần không nhỏ vào mục tiêu huy động nguồn nội lực cho phát triển KT-XH. Các chuyên gia và cộng đồng DN đánh giá, sự chuyển biến có tính chất vượt trội này là do tác động tích cực của sự chuyển đổi cơ chế, tạo dựng khung khổ pháp lý theo hướng tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Sản xuất các mặt hàng điện tử tại Công ty Panasonic Việt Nam. Ảnh: Nhật Nam
Đến nay toàn bộ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thuộc trách nhiệm soạn thảo của Bộ KH-ĐT (4 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, 2 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và 3 thông tư) đã được ban hành. Vì vậy, DN đã có điều kiện tuân thủ luật một cách rõ ràng, cụ thể... Bộ KH-ĐT đã tích hợp thành công dữ liệu của 17.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài vào hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN để các DN này thực hiện thủ tục điều chỉnh nội dung đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến nay số lượng DN cả nước mới đạt con số hơn 500 nghìn và có tỷ lệ thấp hơn nhiều nước nếu tính về số DN trên mỗi 100 nghìn dân. Đây là một hạn chế, làm giảm sức mạnh, nhất là quy mô của nền kinh tế. Vì vậy, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu sớm có 2 triệu DN. Thực tế cho thấy, mục tiêu này không dễ dàng thực hiện và đòi hỏi những nỗ lực to lớn, đồng bộ, liên tục. VCCI đang chủ động hợp tác với các cơ quan quản lý, đề xuất với Chính phủ chủ trương phát động phong trào khởi nghiệp quốc gia, đưa tinh thần khởi nghiệp đến từng cá nhân, DN để huy động tối đa nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hiện, các DN dân doanh, hầu hết có quy mô nhỏ và vừa đang trông đợi các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu soạn thảo và sớm ra mắt Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Đây sẽ là một bước chuyển quan trọng, xác lập sự công nhận tầm quan trọng của cộng đồng DN dân doanh đối với nền kinh tế. Thực tiễn ở nhiều quốc gia cũng cho thấy, nhiều trường hợp đã thành công nhờ biết hỗ trợ, hậu thuẫn DN vừa và nhỏ ở mức tối đa, từ đó tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động và xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Hiện, việc soạn thảo luật này đã được đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2016 và nhận được ủng hộ, quan tâm của các cấp quản lý, nhất là từ phía DN nói chung.
Theo Cục Phát triển DN (Bộ KH-ĐT), Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa sẽ tạo cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy DN sáng tạo, liên kết theo chuỗi giá trị và cụm liên kết có giá trị gia tăng cao. Qua đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng theo chất lượng, bảo đảm tính hiệu quả và bền vững. Ngoài việc xác định các biện pháp hỗ trợ căn bản như hỗ trợ tài chính, hỗ trợ khởi nghiệp, thông tin và tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ mặt bằng, nâng cao trình độ công nghệ, trình độ kỹ thuật, hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh, dự thảo luật này sẽ xây dựng các chương trình, mục tiêu trọng điểm để hỗ trợ các đơn vị tiềm năng trong nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của Nhà nước. Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng sẽ quy định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan đầu mối và cơ quan liên quan trong thực hiện việc trợ giúp DN nhỏ và vừa.
Tại tổng kết của các bộ KH-ĐT, GT-VT, Công thương dịp cuối năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục thực hiện cải cách hành chính ở mức sâu rộng và triệt để hơn. Thực tế cho thấy, năm 2015 kinh tế cả nước đã thu được một số kết quả, chuyển biến rất kịp thời, thiết thực về đơn giản hóa thủ tục hải quan, thuế, đăng ký DN cũng như rút ngắn thời gian tiếp cận đất đai, nguồn điện năng và được DN đánh giá cao. Do vậy, việc tạo ra cơ chế chính sách thông thoáng, thuận lợi nhất cho DN hoạt động là mục tiêu quan trọng nhất của các cấp quản lý, lại càng không có điểm dừng để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; từ đó từng bước đưa Việt Nam trở thành địa điểm khởi nghiệp thuận lợi nhất cho các cá nhân, DN.