Habeco: Định vị thương hiệu bia Việt Nam hàng đầu

Đi được hơn nửa chặng đường năm 2019, Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco - BHN) đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh lạc quan với nền tảng tài chính tốt, thương hiệu được củng cố vững mạnh cùng với công tác đẩy mạnh triển khai chiến lược sản phẩm mới. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp Habeco nâng cao năng lực cạnh tranh và lấy lại đà tăng trưởng.

Nền tảng tài chính mạnh

Kết thúc nửa đầu năm 2019, bức tranh tài chính, kinh doanh của Tổng CTCP Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco - BHN) tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực. Báo cáo tài chính của Tổng công ty cho biết, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 335,4 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2018. Bức tranh kinh doanh của Habeco đạt được những điểm sáng tích cực đến từ công tác quản trị chi phí hiệu quả.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành - nhất là các hãng bia ngoại không ngừng đầu tư mở rộng công suất, còn tốc độ tăng trưởng chung của ngành có dấu hiệu chậm lại khiến thị trường bia trong nước chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, việc lợi nhuận của Habeco lấy lại đà tăng trưởng cho thấy hiệu quả từ chiến lược kết hợp giữa quản trị tốt chi phí song song với việc đổi mới sản phẩm, thương hiệu nhằm duy trì và tăng trưởng thị phần.

Habeco còn được nhà đầu tư đánh giá cao ở nền tảng tài chính mạnh. Tính đến cuối quý 2/2019, Habeco đang có quy mô tổng tài sản đạt 9.172 tỷ đồng. Trong đó, số dư tiền và tiền gửi có kỳ hạn đạt 3.826 tỷ đồng, chiếm 41,7%.

Mặc dù sở hữu lượng tiền lớn nhưng Habeco hầu như không có hoạt động đầu tư dàn trải ngoài ngành. Tính đến 30/06/2019, Công ty đang sở hữu 16 công ty con, 6 công ty liên kết và 2 đơn vị trực thuộc đều là các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh rượu, bia tại địa bàn các tỉnh hoặc các hoạt động tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất như vận tải, bao bì.

Bắt kịp sự dịch chuyển của thị trường  

Từ tháng 5/2019, Habeco đã chính thức hợp tác với FPT triển khai Dự án “Giải pháp quản trị doanh nghiệp tổng thể SAP ERP”. Hệ thống quản trị nguồn lực này được Habeco triển khai trong các lĩnh vực xương sống của hoạt động doanh nghiệp, gồm kế toán tài chính, kế toán quản trị, quản lý mua hàng, quản lý kho, báo cáo tài chính hợp nhất, tích hợp... Trong đó, có những nghiệp vụ được triển khai theo đặc thù thực tế của Habeco như tính giá thành, quản lý bán hàng và đơn hàng nhà phân phối, quản lý két chai vỏ.

Dự án khi đi vào hoạt động sẽ giúp Habeco chuẩn hóa và tự động hóa quy trình quản lý và quy trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó giảm thiểu chi phí, tăng năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh.

Theo ông Trần Đình Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Habeco, triển khai ERP đòi hỏi phải có sự tái cơ cấu từ nội bộ tới các hoạt động ra bên ngoài, lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Tổng công ty hiểu rõ điều đó và sẵn sàng tâm thế thay đổi để thích ứng với bối cảnh thị trường mới đang có sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ngoại có tiềm lực tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm và hệ thống quản trị tiên tiến.

Đổi mới để duy trì vị thế và tiếp tục tạo ra giá trị cho khách hàng, cộng đồng và đất nước sẽ là nền tảng và kim chỉ nam để các doanh nghiệp dẫn đầu như Habeco tiếp tục vươn xa và thực hiện được sứ mệnh của mình.

 

Bình luận của bạn