Hành trình xây dựng "Thung lũng Silicon của Việt Nam"
Với mục tiêu hỗ trợ toàn diện cho các startup công nghệ như mô hình của thung lũng Silicon. Ngay từ khi thành lập, VinTech City với VinTech Fund - đơn vị khởi nghiệp trong Tập đoàn Vingroup và đang từng bước xây dựng hệ sinh thái, giúp các sản phẩm công nghệ sau nghiên cứu được thương mại hóa nhanh nhất.
Tham gia hỗ trợ các startup
Khối công nghệ “Tech” của Tập đoàn Vingroup đã có khá nhiều thành viên với Viện VinAI Research, Viện Big Data, Vin Brain… gần đây nhất là VinTech Fund. Cùng là khối công nghệ, nhưng sự khác biệt mà VinTech Fund (Quỹ Tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech) mang đến là tài trợ và hỗ trợ nguồn lực để hiện thực hóa các sản phẩm khoa học - công nghệ (KHCN) có lợi thế cạnh tranh vượt trội, có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường.
Lợi thế lớn nhất và cũng là “điểm cộng” của VinTech Fund là cơ hội thử nghiệm, thực nghiệm. Quỹ ra đời trên cơ sở tham khảo mô hình các quỹ cũng như các chương trình tài trợ nghiên cứu KHCN thành công như: Quỹ Khoa học quốc gia Hoa Kỳ (NSF), Quỹ Tài trợ Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH), Quỹ Newton (Anh), Quỹ Tài trợ nghiên cứu của Google…
Bên cạnh hỗ trợ về nguồn vốn, tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực, VinTech Fund còn hỗ trợ toàn diện các vấn đề liên quan đến quá trình hoàn thiện sản xuất và thương mại hóa sản phẩm sau thời gian nghiên cứu cho các nhà sáng chế và doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp. Điển hình, với 6 chương trình đang vận hành, VinTech Fund mang đến cơ hội cho 100.000 nhân lực công nghệ ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau tại Việt Nam, hiện thực hóa các ý tưởng cũng như tạo ra những kết nối mang tính nền tảng, thúc đẩy hệ sinh thái KHCN chuyển mình mạnh mẽ hơn. Mới đây, Quỹ Tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech cũng công bố 12 dự án khoa học được nhận đầu tư với tổng giá trị 86 tỷ đồng.
Ngoài ra, VinTech Fund đã truyền cảm hứng, thúc đẩy cho cộng đồng nghiên cứu khoa học ứng dụng, những startup công nghệ được hình thành trên nền tảng nghiên cứu đầu tư mạnh mẽ. VinTech Fund cũng hướng đến khuyến khích tích hợp các hành động trên cơ sở tận dụng nguồn lực lẫn nhau giữa cộng đồng nghiên cứu và những thành tố hỗ trợ.
Hình mẫu Silicon Valleytại Việt Nam
Chia sẻ về hành trình xây dựng "Thung lũng Silicon của Việt Nam", Bà Trương Lý Hoàng Phi – CEO VinTech City - cho biết: Bên cạnh những thành tố tạo nên Silicon Valley có 3 thành tố quan trọng luôn được nhắc đến, đó là: Nhân tài công nghệ, sản phẩm công nghệ có lợi thế cạnh tranh và một hệ sinh thái hỗ trợ. Với 3 nền tảng này, VinTech Fund bắt đầu với nhân tài công nghệ, sản phẩm công nghệ mang tính ứng dụng, có lợi thế cạnh tranh ở nhiều phạm vi: Việt Nam, khu vực và toàn cầu.
“Khởi nghiệp, bản thân đã bao hàm niềm tin và những kế hoạch cụ thể để “chạm tay” đến một kỳ tích. Nếu xây dựng được hệ sinh thái hỗ trợ như “Silicon Valley” cho startup được xem là kỳ tích thì VinTech City muốn được đóng góp, dù là rất nhỏ” - CEO VinTech City khẳng định.
Mức tài trợ VinTech Fund tương đồng, hoặc thuộc top cao so với các chương trình tài trợ cho các nghiên cứu ứng dụng ở giai đoạn đầu của một số quốc gia trên thế giới. Mỗi đề tài nghiên cứu muốn nhận được xét duyệt sẽ cần đáp ứng đủ 3 yếu tố: Công nghệ; khả năng thương mại hóa; uy tín, năng lực thực thi. VinTech Fund ưu tiên các đề tài, dự án đã tạo ra được sản phẩm ở dạng phiên bản mẫu đầu tiên.