Hỗ trợ mạnh mẽ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA

Toàn cảnh Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19?”

Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của Lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Lãnh đạo các Hiệp hội gồm Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VINASME), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), và Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso). Hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và và các cơ quan thông tấn, báo chí cũng đã tham dự Hội nghị này.

Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19?” nhằm tạo ra diễn đàn để 2 Bộ có điều kiện trao đổi trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe tâm tư, giải đáp các thắc mắc cũng như đề xuất các giải pháp để giúp cộng đồng doanh nghiệp có thể được tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể khi tận dụng Hiệp định EVFTA, không chỉ ở khía cạnh xuất khẩu mà còn về nhập khẩu.

Đây là một trong chuỗi Hội nghị được Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức để phổ biến về EVFTA sau khi Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn Hiệp định này vào ngày 8/6/2020 vừa qua và lãnh đạo Bộ Ngoại giao trao cho Đại sứ EU tại Việt Nam công hàm về việc Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) vào ngày 18/6. Hội nghị được tổ chức theo hình thức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính với lãnh đạo các Hiệp hội và các doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, chỉ một thời gian ngắn nữa, ngày 1/8/2020 tới đây, Hiệp định EVFTA sẽ đi vào thực thi. Với những cam kết sâu rộng, Hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, từ đó góp phần vào công cuộc đổi mới, hiện đại hóa đất nước.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và thương mại của nước ta. Riêng về thương mại, tính đến hết tháng 5/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã giảm 2,8%. Trong đó, xuất khẩu giảm 0,9% và nhập khẩu giảm 4,6%.

Riêng tháng 4/2020, xuất khẩu giảm đến 13,9% và nhập khẩu giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong bối cảnh đó, EVFTA khi đưa vào thực thi được kỳ vọng sẽ phần nào giúp doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân, GDP bình quân đầu người khoảng 35.000 USD, với mức thuế 0%, trong đó 85% dòng thuế về 0% ngay khi có hiệu lực.

Doanh nghiệp cũng có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới, đồng thời, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu giảm sự lệ thuộc vào một thị trường nhất định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Theo Thứ trưởng, dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà tác động mạnh mẽ tới nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là EU. Kinh tế EU được dự báo giảm tương đối trong năm 2020, có nghiên cứu cho rằng sẽ giảm tới 7% - 7,5%. Nhìn lại trong quá khứ, giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, khi tăng trưởng kinh tế EU giảm 4%, xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này đã giảm tới hơn 18%.

"Điều này càng nâng cao kỳ vọng của cả hai bên vào Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - EU phát triển, từ đó giảm bớt phần nào tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.

Để hiện thực hóa các cơ hội do Hiệp định EVFTA mang lại, Chính phủ và các doanh nghiệp còn khá nhiều việc phải làm.

Về phía Chính phủ, các Bộ ngành, các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác trao đổi, đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động hơn nữa trong tìm hiểu nội dung Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.

“Muốn có vụ mùa bội thu phải dậy từ sớm để đi ra đồng, người dậy lúc 9-10 giờ sẽ không thể có được vụ mùa bội thu”, Thứ trưởng ví von, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chủ động nắm bắt cơ hội từ phía doanh nghiệp.

Với sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và sự tham gia, thảo luận của các cán bộ trực tiếp đàm phán và quản lý các lĩnh vực có liên quan của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, Hội nghị đã giúp giới doanh nghiệp có thêm các thông tin hữu ích về các cam kết liên quan đến thuế quan của Hiệp định EVFTA, cũng như tình hình chuẩn bị của Chính phủ nói chung và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nói riêng trong việc thực thi Hiệp định một cách đầy đủ và hiệu quả.

Phiên thảo luận tại Hội nghị đã diễn ra sôi nổi và hiệu quả với sự tham gia của Lãnh đạo các hiệp hội VINASME, VASEP và Lefaso, đại diện một số Vụ, Cục, Tổng cục của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Tại đây, các đại biểu đã thảo luận, trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp về định hướng giải pháp tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức của Hiệp định EVFTA, trong đó tập trung vào 05 nhóm giải pháp gồm: thuế quan; hải quan; xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường EU; công tác tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định EVFTA; và các biện pháp khác nằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hậu Covid-19.

Phiên thảo luận tại Hội nghị

 

Bình luận của bạn